Amazon đóng cửa hàng ứng dụng ở thị trường internet lớn nhất thế giới

Thế giới số - Ngày đăng : 21:52, 24/05/2023

Amazon sẽ đóng cửa hàng ứng dụng chính thức tại Trung Quốc vào tháng 7.

Đây là động thái rút lui mới nhất khỏi thị trường internet lớn nhất thế giới của gã khổng lồ công nghệ Mỹ sau thông báo năm ngoái rằng dịch vụ sách điện tử Kindle sẽ đóng cửa.

Amazon Appstore ra mắt vào năm 2011 như giải pháp thay thế cho Google để người dùng smartphone Android cài đặt ứng dụng và game. Người dùng có thể truy cập Amazon Appstore ở Trung Quốc mà không cần mạng riêng ảo (VPN), dù các ứng dụng Mỹ như Facebook và Twitter không khả dụng tại quốc gia châu Á này.

Một đại diện của Amazon xác nhận Appstore sắp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trang mua sắm chính thức Amazon.cn cùng các dịch vụ khác như Amazon Global Selling, Amazon Global Store và đơn vị đám mây Amazon Web Services (AWS) vẫn hoạt động ở Trung Quốc.

Theo hãng tin The Paper, Amazon Appstore sẽ bị đóng cửa vào ngày 17.7 ở Trung Quốc. The Paper trích dẫn một email từ Amazon Appstore gửi cho người dùng, trong đó không giải thích lý do rời khỏi thị trường internet lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ người dùng.

Kể từ ngày 24.5, người dùng không thể tải xuống Amazon Appstore từ Amazon.cn (trang web chính thức của Amazon tại Trung Quốc).

Amazon không đưa ra lý do đóng cửa Appstore, nhưng thị trường dịch vụ internet Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty địa phương.

Amazon đã giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ tuyên bố sẽ đóng cửa dịch vụ sách điện tử Kindle tại quốc gia này. Bắt đầu từ ngày 30.6.2023, khách hàng ở Trung Quốc sẽ không thể mua các ấn phẩm mới, nhưng vẫn có thể tải xuống các tập đã mua cho đến ngày 30.6.2024, theo một thông báo trên trang web của hãng.

Sau khi mở rộng sang Trung Quốc vào năm 2004 thông qua thương vụ mua lại nhà bán lẻ địa phương Joyo.com trị giá 75 triệu USD, Amazon đã phải vật lộn với các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, đặc biệt là thương mại điện tử và đám mây hàng đầu của mình. Vào năm 2019, công ty Mỹ đã ngừng cung cấp hỗ trợ cho người bán bên thứ ba tại thị trường Trung Quốc.

Amazon xếp thứ 12 về mức độ phổ biến trong số tất cả nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc, thua xa ba cái tên hàng đầu là Taobao, JD.com và Douyin (ứng dụng video ngắn của ByteDance giống TikTok), theo báo cáo hồi tháng 2 của hãng thương mại kỹ thuật số TMO Group. Taobao thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba.

Khi nói đến đám mây, AWS là nhà cung cấp lớn thứ 5 tại Trung Quốc với thị phần 8,6% trong nửa cuối năm 2022, xếp sau các công ty dẫn đầu thị trường là Alibaba và Huawei, lần lượt chiếm 31,9 và 12,1% thị phần, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC.

Trong bối cảnh tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến chậm lại và suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ, Amazon vào tháng 1 đã bắt đầu đợt cắt giảm việc làm lớn nhất từ ​​trước đến nay, ảnh hưởng đến 18.000 nhân viên trên toàn cầu.

amazon-dong-cua-hang-ung-dung-o-thi-truong-internet-lon-nhat-the-gioi.jpg
Nhiều người xếp hàng chờ tại gian hàng của Amazon trong Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải ngày 7.11.2022 - Ảnh: EPA-EFE

Hồi đầu tháng 5, LinkedIn (nền tảng dành cho người tìm việc và nhà tuyển dụng thuộc sở hữu của Microsoft) thông báo sẽ đóng cửa ứng dụng từng ra mắt ở Trung Quốc cách đây chưa đầy 2 năm. Động thái này chấm dứt hoạt động trên mạng xã hội còn lại của LinkedIn tại quốc gia châu Á khi đang cắt giảm hàng trăm việc làm toàn cầu.

Ryan Roslansky, Giám đốc điều hành LinkedIn, viết trong một bức thư rằng công ty đang cắt giảm 716 việc làm trong các hoạt động toàn cầu của mình khi “cạnh tranh khốc liệt” và “tăng trưởng doanh thu chậm lại”. Doanh thu của LinkedIn trong quý 1/2023 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với mức tăng trưởng 10% và 17% trong hai quý trước đó, theo tiết lộ tài chính từ Microsoft.

Tại Trung Quốc, LinkedIn sa thải các nhóm sản phẩm và kỹ thuật của mình, đồng thời thu hẹp quy mô các bộ phận doanh nghiệp, bán hàng và tiếp thị, Ryan Roslansky cho biết trong bức thư.

LinkedIn sẽ duy trì các hoạt động về tìm kiếm nhân tài, tiếp thị và học tập để tập trung vào "hỗ trợ các công ty hoạt động tại Trung Quốc tuyển dụng, tiếp thị và đào tạo ở nước ngoài".

Bức thư không nêu rõ quy mô cắt giảm việc làm ở Trung Quốc của LinkedIn.

Trong bức thư riêng bằng tiếng Trung gửi cho khách hàng được đăng trên nền tảng mạng xã hội WeChat, LinkedIn cho biết InCareer, ứng dụng ở Trung Quốc của công ty, sẽ ngừng hoạt động từ ngày 9.8.2023.

LinkedIn ra mắt InCareer vào cuối năm 2021 dưới dạng một ứng dụng tìm việc theo cặp, không có nguồn cấp dữ liệu xã hội nên việc tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của Trung Quốc dễ dàng hơn. Hồi tháng 10.2021, Microsoft thông báo sẽ đóng cửa trang mạng xã hội LinkedIn ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các hãng công nghệ nước ngoài.

LinkedIn ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2014, tồn tại tương đối lâu ở nước này so với nền tảng nước ngoài khác. Để hoạt động tại đây, LinkedIn đã kiểm duyệt nội dung được chính quyền Trung Quốc coi là nhạy cảm.

Việc kiểm duyệt trên nền tảng đôi khi đã mở rộng ra ngoài các bài đăng bằng văn bản. Vào năm 2021, LinkedIn chặn người dùng Trung Quốc xem tài khoản của nhiều nhà báo Mỹ đã viết bài về các chủ đề nhạy cảm. LinkedIn cũng kiểm duyệt tài khoản của các học giả và nhà hoạt động nhân quyền.

Kể từ khi ra mắt, ứng dụng InCareer đã tụt lại so với đối thủ ở Trung Quốc. InCareer có 959.600 người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 3, theo công ty nghiên cứu thị trường Analysys. Để so sánh, 51job có 18,5 triệu người dùng hoạt động tháng đó, Boss Zhipin có 17,3 triệu, còn Liepin có 6,7 triệu.

Cũng giống một số công ty Mỹ, LinkedIn hiện không còn nền tảng nào hiện diện ở Trung Quốc. Google, Facebook và Twitter đều đã bị chặn bởi Great Firewall (Tường lửa vĩ đại của Trung Quốc), với các dịch vụ liên quan cũng bị chặn những năm gần đây.

Gmail đã bị Trung Quốc chặn vĩnh viễn vào năm 2014, trong khi Instagram (thuộc sở hữu của Meta Platforms) cũng chịu chung số phận hai năm sau đó. WhatsApp của Meta Platforms bị chặn vào năm 2017.

Đầu năm 2021, Trung Quốc đã cấm Signal và Clubhouse. 

Signal là ứng dụng liên lạc miễn phí hỗ trợ người dùng gửi và nhận tin nhắn tức thì với độ bảo mật cao (nhờ công nghệ mã hóa hai chiều tiên tiến), gọi âm thanh hoặc gọi video với hình ảnh chất lượng cao.

Clubhouse là ứng dụng mạng xã hội trò chuyện bằng âm thanh, cho phép người dùng tham gia các cuộc thảo luận dưới hình thức trò chuyện giống như ở các cuộc họp, hội nghị. Trong đó sẽ có một số người chủ yếu nói chuyện và những người khác tham gia để lắng nghe, theo dõi.

Kể từ khi Trung Quốc thắt chặt các quy định về nội dung và dữ liệu vào năm 2021, một số công ty nước ngoài đã đóng cửa trước khi bị chặn.

Cuối năm 2021, Yahoo đã tạm dừng các dịch vụ trực tuyến còn lại của họ tại Trung Quốc, bao gồm ứng dụng Weather (thời tiết) và blog công nghệ Engadget, sau khi các dịch vụ cộng đồng, tin tức và email của họ bị chấm dứt vào năm 2013, còn hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Bắc Kinh bị đóng cửa hồi năm 2015.

Sơn Vân