Mái ‘làm mát’ giúp giảm nhiệt độ trong nhà
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:25, 25/05/2023
Mái “làm mát” được phủ một lớp đặc biệt giúp phản xạ 84% ánh sáng mặt trời và tỏa 90% nhiệt hấp thụ, khiến nhiệt độ bên trong thấp đi. Trải qua thời gian vật liệu vẫn phản xạ được 77% ánh sáng mặt trời và tỏa 88% nhiệt.
Đây là phiên bản của một loại sơn được cấp bằng sáng chế tại Mỹ của Đại học Florida hợp tác với hai công ty Milenium Solutions USA, WinBuild. Từ năm 2019 lớp sơn lót cùng vật liệu phủ được sản xuất tại Indonesia.
Giảng viên kiến trúc Beta Paramita với dự án Cool Roofs Indonesia đang nỗ lực triển khai sản phẩm này tại đất nước vạn đảo. Theo bà Paramita, tại Indonesia chỉ công trình thương mại và tòa nhà văn phòng mới đủ khả năng lắp điều hòa. Hầu hết trường học cùng 80% nhà ở không có thiết bị này.
Năm ngoái, Cool Roofs Indonesia chiến thắng Million Cool Roofs Challenge - cuộc thi thúc đẩy sử dụng mái “làm mát” ở các nước đang phát triển phải đối mặt với nắng nóng cực đoan - nên nhận được khoản tài trợ 750.000 USD. Ba năm trước, dự án này nhận 125.000 USD nhờ lọt vào vòng chung kết.
Bà Paramita cho biết ban đầu Cool Roofs Indonesia tập trung vào khu dân cư, nhưng địa điểm này quy mô nhỏ và ban ngày đa số người dân đều ra ngoài. Vì vậy họ chuyển hướng sang cơ sở giáo dục cùng cơ sở tôn giáo.
“Từ 7 giờ sáng đến 2 hoặc 4 giờ chiều, trẻ em mà đặc biệt là học sinh tiểu học ở bên trong các tòa nhà”, bà Paramita nói. Nếu trời quá nóng học sinh không thể tập trung.
Theo bà Paramita, nhiệt độ trong nhà cũng ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ vì họ thường ở nhà nấu ăn và chăm sóc con cái.
Trung tâm công nghiệp Tangerang nằm gần thủ đô Jakarta là thành phố đầu tiên tham gia Cool Roofs Indonesia. Dự án sau đó mở rộng ra Jambi, Palembang, Semarang, Pontianak. Bà Paramita chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng phổ biến sản phẩm đến những thành phố nắng nóng”.
Đô thị nóng lên không chỉ bởi biến đổi khí hậu, mà còn bởi hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” do khí thải nóng từ máy điều hòa và xe cộ gây ra: các công trình tích tụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác.
Từ khi chiến thắng Million Cool Roofs Challenge, Cool Roofs Indonesia đã triển khai mái “làm mát” lên hơn 40 công trình công cộng cùng công trình cộng đồng, nhiều công trình khác sắp được triển khai. Họ thu về không ít kết quả ấn tượng.
Tại một tòa nhà công nghiệp diện tích 5.000m2, nhiệt độ bên trong giảm từ 40 độ C xuống khoảng 29 độ C.
Tại những nơi khác như trường học, nhiệt độ giảm ít hơn. Giáo sư Ravi Srinivasan (Đại học Florida) - một thành viên khác của Cool Roofs Indonesia cho biết khác biệt có thể do loại công trình, vật liệu, thiết kế.
Ngay cả ở Bandung, nơi cao 700 mét so với mực nước biển và tương đối mát so với nhiều thành phố khác của Indonesia, mái “làm mát” cũng phát huy tác dụng. Nhiệt độ bên trong văn phòng công ty kiến trúc Aaksen Responsible Aarchitecture giảm từ 32 độ C xuống còn 25 - 27 độ C.
Giám đốc Aaksen Responsible Aarchitecture Azzahra Dartaman cho biết họ không cần dùng điều hòa nữa, quạt cũng chỉ được dùng vào buổi trưa thay vì gần như mọi lúc như trước đây.
Hiện tại cơ sở sản xuất bên trong khuôn viên Đại học Sư phạm Indonesia có thể cho ra 4.000kg sơn lót cùng vật liệu phủ mỗi ngày. Trong năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở nữa tại các thành phố Banjarmasin và Lampung.
Cool Roofs Indonesia dành 10% sản lượng tiến hành sơn miễn phí cho công trình công cộng như trường học, trại trẻ mồ côi, cơ sở tôn giáo. Dự án bán sản phẩm ra thị trường dưới thương hiệu BeCool với giá rẻ hơn nhiều thương hiệu khác.
Một bộ 20kg sơn lót cùng 20kg vật liệu phủ đủ dùng cho diện tích 120 - 160 mét vuông tùy thuộc khả năng hấp thụ của vật liệu xây mái.
Bà Paramita ước tính một đơn vị nhà giá rẻ ở Indonesia - diện tích trung bình 36 mét vuông, mái đất sét - cần 13kg sơn lót cùng vật liệu phủ.
Cool Roofs Indonesia dự tính dành một phần trong 750.000 USD tiền tài trợ thành lập một phòng thí nghiệm quốc gia chuyên nghiên cứu đặc tính của các loại vật liệu xây dựng.
Mặc dù mái “làm mát” được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, vẫn có nhà báo phản hồi nhiệt độ không giảm nhiều như mong muốn. Bà Paramita lưu ý rằng vật liệu phủ không chắc giúp giảm đáng kể nhiệt độ vì công trình còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như thiết kế, hướng công trình, chất lượng lưu thông không khí.