ĐBQH Lê Thanh Vân: Một bộ phận cán bộ đùn đẩy công việc, gây trì trệ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:41, 25/05/2023
Thảo luận tại tổ ngày 25.5, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho hay, tác động của bên ngoài làm bức tranh 6 tháng đầu năm của nước ta có ảm đạm như số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số công nhân thất nghiệp tăng.
“Chỉ tính trong ngày 23.5, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tiếp nhận đến 22.000 hồ sơ thất nghiệp. Trong khi đó, những hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ kịp thời và hiệu quả”, ông Vân nói.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nói có giai đoạn 2 tuần liền không bán được món hàng nào. "Điều này cho thấy cầu giảm, do khó khăn, người dân phải thắt lưng buộc bụng, lương không có, doanh nghiệp nợ, họ không có chi phí cho sinh hoạt", ông Vân nói.
Vị đại biểu đoàn Cà Mau cũng nêu thực tế và bày tỏ sự không đồng tình khi nhiều dự án cổng chào vẫn triển khai trong lúc đời sống người dân còn khó khăn. "Ở vùng sâu vùng xa, khó khăn như vậy thì xây tượng đài để làm gì", ông Vân băn khoăn.
Ông Vân phân tích, năm 2023 bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế nước ta. Ngoài ra, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Đây cũng là những vấn đề đã được lường đến khi bàn về kịch bản phát triển của năm.
Đại biểu Vân chỉ rõ, tình hình thế giới bất ổn do xung đột địa chính trị, chiến tranh, cạnh tranh của các nước lớn, một số thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do lạm phát, suy giảm kinh tế. Trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động từ diễn biến tình hình thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 cần thời gian để phục hồi.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng đánh giá tình hình của năm 2023 cần có cái nhìn khách quan, không nên quá tiêu cực cho rằng nguyên nhân chỉ là do hạn chế trong quản lý điều hành mà cần cái nhìn tổng quan từ bên trong lẫn bên ngoài.
Ông Vân cho rằng việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu. “Một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc”, ông Vân nêu và cho rằng công tác cán bộ là gốc rễ cho nhiều vấn đề hiện nay.
Theo đại biểu Vân, chất lượng thể chế thấp, pháp luật không ổn định, chất lượng cán bộ yếu kém nên dẫn đến điều hành bất nhất. Ông chủ tịch này, nhiệm kỳ này thì ủng hộ, nhưng sang nhiệm kỳ sau, chủ tịch khác thấy doanh nghiệp ngứa mắt, thu hồi lại dự án. Trong khi họ bỏ vào hàng trăm tỉ đồng vào dự án đó rồi, rồi trả lại theo lãi suất ngân hàng thế là họ chết. “Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó sống, khó phát triển”, đại biểu Vân nêu quan điểm.
Đại biểu cho rằng, thị trường giảm cầu, đơn đặt hàng không có, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết nhưng thay vì sự thấu hiểu, cơ quan quan bảo vệ pháp luật tiếp tục siết chặt kiểm soát. Trong lúc doanh nghiệp kiệt quệ vẫn phải đón tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra.
Đại biểu Lê Thanh Vân tin tưởng rằng nếu có giải pháp đồng bộ thì kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn có thể bứt phá được.
Theo đó, ông Vân cho rằng Chính phủ cần có một chương trình cụ thể để đối phó ngắn hạn trước nguy cơ suy thoái (nếu có). Trong đó, tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ linh hoạt.
Đặc biệt, theo ông Vân, cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, cần bắt tay ngay vào sửa đổi các luật về đầu tư và trước nhất chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, để không mất quyền đánh thuế, giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư; giải phóng năng lực trong nước với thúc đẩy doanh nghiệp trong nước để có hệ thống doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, không nên hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự…
Quan tâm đến các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng báo cáo của Chính phủ không có sự khác biệt so với các năm trước đây. Đại biểu nêu rõ bối cảnh của năm 2023 có những điểm khác biệt khiến cho kinh tế tăng trưởng chậm thì cần phải có những giải pháp cho tăng trưởng và kích thích nền kinh tế.
Ông Minh gợi ý, trong bối cảnh nguồn vốn cho nền kinh tế hạn chế thì cần có giải pháp để tiết kiệm các chi phí như chi phí logistic, đẩy mạnh cải cách để doanh nghiệp không còn mất nhiều chi phí không chính thức. Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, cần có nghị quyết của Quốc hội về phát triển doanh nghiệp trong thời đại mới.
Có cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng doanh nghiệp trong nước mới chính là động lực cho sự phát triển, phải nuôi dưỡng nguồn lực nội tại là các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bày tỏ băn khoăn khi các báo cáo đều chỉ ra các chỉ số kinh tế đều đạt thấp, các địa phương nhất là các địa phương đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cho rằng nhóm nhiệm vụ giải pháp năm 2023 đề ra còn chung chung, chưa thấy được giải pháp đột phá. Do đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị cụ thể hơn, có được chương trình phát triển ngắn hạn để tính toán tập trung cho một số lĩnh vực, chú trọng tạo công ăn việc làm và phát triển doanh nghiệp là cần thiết.