“OpenAI không thể từ bỏ thị trường gần 500 triệu người và nền kinh tế trị giá 15.000 tỉ euro”

Thế giới số - Ngày đăng : 09:35, 26/05/2023

Đó là nhận định của chuyên gia Nils Rauer thuộc công ty luật Pinsent Masons (Anh) sau khi Sam Altman đe dọa OpenAI có thể rời Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này đưa ra quy tắc "kiểm soát quá khắt khe".

Trong nhiều tháng, Sam Altman, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ), đã kêu gọi các nhà làm luật trên khắp thế giới soạn thảo các quy tắc mới quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Hôm 25.5, ông đe dọa OpenAI có thể rời EU nếu khối này đưa ra quy tắc "kiểm soát quá khắt khe".

Sam Altman đã dành cả tuần qua để đi khắp châu Âu, gặp gỡ các chính trị gia hàng đầu ở Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức và Vương quốc Anh để thảo luận về tương lai AI và tiến độ của ChatGPT.

Hơn 6 tháng sau khi OpenAI công bố ChatGPT với thế giới, những lo ngại xung quanh tiềm năng của chatbot AI này đã gây ra sự hào hứng và lo lắng, khiến nó xung đột với cơ quan quản lý.

Một địa điểm mà Sam Altman không đến trong tuần này là Brussels (thủ đô Bỉ), nơi các cơ quan quản lý của EU đang làm việc về Đạo luật AI được chờ đợi từ lâu. Đây có thể là bộ quy tắc đầu tiên trên toàn cầu để quản lý AI.

Sam Altman đã hủy chuyến thăm dự kiến ​​đến Brussels, theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này. OpenAI không trả lời khi được hãng tin Reuters đề nghị bình luận về chuyện này.

"Dự thảo Đạo luật AI của EU hiện tại đề xuất quy định quá khắt khe, nhưng chúng tôi nghe nói rằng nó sẽ bị rút lại. Họ vẫn đang thảo luận về vấn đề này", Giám đốc điều hành OpenAI nói với Reuters.

Thế nhưng, các nhà làm luật EU chịu trách nhiệm hình thành Đạo luật AI bác bỏ tuyên bố của Sam Altman.

Tôi không thấy bất kỳ sự giảm nhẹ nào diễn ra trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui được mời Altman đến Nghị viện châu Âu để ông ấy có thể bày tỏ mối quan tâm của mình và lắng nghe suy nghĩ từ các nhà làm luật châu Âu về những vấn đề này”, Dragos Tudorache, thành viên người Romania của Nghị viện châu Âu, người đang dẫn đầu việc soạn thảo các đề xuất của EU, nói với Reuters.

Thierry Breton, người đứng đầu ngành công nghiệp EU, cũng chỉ trích lời đe dọa rút OpenAI khỏi EU của Sam Altman, tuyên bố các quy tắc dự thảo không phải để thương lượng.

Hôm 25.5, OpenAI dự kiến sẽ thảo luận chi tiết hơn về cách quản lý AI trong bối cảnh Sam Altman có lịch trình bận rộn với cuộc họp với nhà lãnh đạo các nước như Rishi Sunak (Thủ tướng Anh) và Emmanuel Macron (Tổng thống Pháp).

openai-khong-the-tu-bo-thi-truong-gan-500-trieu-nguoi.jpg
Sam Altman đến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee ở thủ đô Paris ngày 23.5 - Ảnh: Reuters

“Không nên để bị các công ty Mỹ đe dọa”

Cũng làm việc trong dự thảo luật của EU, Nghị sĩ Kim van Sparrentak (Hà Lan) cho biết bà và các đồng nghiệp của mình “không nên để bị các công ty Mỹ đe dọa”.

Bà nói: “Nếu OpenAI không thể tuân thủ các yêu cầu cơ bản về quản trị dữ liệu, minh bạch, an toàn và bảo mật thì hệ thống của họ không phù hợp với thị trường châu Âu”.

Vào tháng 2, ChatGPT đã lập kỷ lục về cơ sở người dùng tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ ứng dụng dành cho người tiêu dùng nào trong lịch sử. Cụ thể là ChatGPT đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng trình làng.

OpenAI lần đầu xung đột với các cơ quan quản lý vào tháng 3. Hôm 31.3, Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý (Garante) vô hiệu ChatGPT trong nước này, cáo buộc OpenAI vi phạm các quy định về quyền riêng tư của châu Âu. ChatGPT đã trực tuyến trở lại ở Ý hôm 28.4 sau khi OpenAI đưa ra các biện pháp bảo mật mới cho người dùng.

Trong khi đó, các nhà làm luật EU đã thêm các đề xuất mới vào Đạo luật AI của khối, buộc bất kỳ công ty nào sử dụng các công cụ generative AI, chẳng hạn ChatGPT, tiết lộ tất cả tài liệu có bản quyền nào được dùng để đào tạo hệ thống của họ.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Các nghị sĩ EU đã nhất trí về dự thảo của Đạo luật AI vào đầu tháng 5. Các quốc gia thành viên, Ủy ban và Nghị viện châu Âu sẽ đưa ra các chi tiết cuối cùng của dự luật.

Thông qua Hội đồng châu Âu, các quốc gia thành viên riêng lẻ như Pháp hoặc Ba Lan cũng có thể tìm kiếm các sửa đổi trước khi dự luật được thông qua vào cuối năm nay.

“Không thể từ bỏ thị trường gần 500 triệu người và nền kinh tế trị giá 15.000 tỉ euro”

Trong khi việc làm luật đã được tiến hành trong vài năm, các điều khoản mới nhắm đến các công cụ generative AI chỉ được soạn thảo vài tuần trước cuộc bỏ phiếu quan trọng về các đề xuất.

Trước đó, Reuters đưa tin một số nhà làm luật EU ban đầu đã đề xuất cấm hoàn toàn tài liệu có bản quyền được sử dụng để đào tạo các mô hình generative AI, nhưng điều này bị bỏ qua để ưu tiên yêu cầu minh bạch mạnh mẽ hơn.

Những điều khoản này chủ yếu liên quan đến tính minh bạch, đảm bảo AI và công ty xây dựng nó đáng tin cậy. Tôi không thấy lý do gì mà bất kỳ công ty nào sẽ tránh né khỏi sự minh bạch", Dragos Tudorache nói.

Chuyên gia Nils Rauer thuộc công ty luật Pinsent Masons nói "không có gì ngạc nhiên" vì Sam Altman đưa ra nhận xét khi các nhà làm luật đang làm việc thông qua các đề xuất của họ.

Ông nói: "Không có khả năng OpenAI sẽ quay lưng lại với châu Âu. EU quá quan trọng về mặt kinh tế. Bạn không thể từ bỏ một thị trường gần 500 triệu người và nền kinh tế trị giá 15.000 tỉ euro (16.510 tỉ USD)".

Sam Altman ở thành phố Munich (Đức) hôm 25.5 và nói rằng ông đã gặp Olaf Scholz (Thủ tướng Đức).

Sergey Lagodinsky, nghị sĩ người Đức cũng tham gia vào quá trình làm luật, nói rằng trong khi Sam Altman có thể đang cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của mình ở từng các quốc gia riêng lẻ, kế hoạch điều chỉnh AI của EU đang "được triển khai đầy đủ".

"Tất nhiên có thể có một số sửa đổi, nhưng tôi nghi ngờ rằng họ sẽ thay đổi quỹ đạo tổng thể”, Sergey Lagodinsky nhận xét.

Sơn Vân