Chu kỳ kinh nguyệt không đều có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:49, 26/05/2023

Một nghiên cứu mới cho thấy phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc chu kỳ kinh kéo dài có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, phụ nữ có chu kỳ kinh ngắn hơn bình thường (dưới 21 ngày) và chu kỳ dài hơn bình thường (hơn 35 ngày) có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim không đều. Một chu kỳ kinh nguyệt được đo bằng số ngày giữa mỗi kỳ kinh. 

Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết: "Chu kỳ kinh nguyệt dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ rung tâm nhĩ nhưng không phải nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ". 

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Huijie Zhang thuộc Bệnh viện Nanfang (Trung Quốc) cho biết: "Mặc dù phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt có thể gặp phải những hậu quả bất lợi đối với sức khỏe tim mạch, nhưng bản chất chính xác của mối quan hệ đó và điều gì thúc đẩy nó vẫn chưa được biết". 

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đã đến lúc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc theo dõi các đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt trong suốt cuộc đời sinh sản của một người phụ nữ. 

heart-disease-and-diabetes.jpg

Nhìn chung, khoảng 14% - 25% phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều trên toàn thế giới, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ. 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 58.056 phụ nữ ở Anh. Những phụ nữ, tuổi từ 40 - 69, đã báo cáo trong bảng câu hỏi về độ dài và tính đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt của họ theo thời gian và các thông tin y tế khác trong suốt khoảng 12 năm.

Trong số những phụ nữ này, 39.582 người báo cáo có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và 18.474 báo cáo có chu kỳ không đều hoặc không có kinh nguyệt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 2,5% phụ nữ có chu kỳ đều đặn mắc bệnh tim mạch, so với 3,4% ở những người có chu kỳ không đều. Họ cũng cho biết, chu kỳ kinh nguyệt không đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mặc dù còn có các yếu tố rủi ro khác, chẳng hạn như "tuổi tác, chủng tộc và dân tộc, chỉ số BMI, tình trạng hút thuốc, tình trạng uống rượu, hoạt động thể chất, tiền sử sử dụng thuốc tránh thai". 

Dữ liệu cũng cho thấy, 0,56% những người có chu kỳ đều đặn bị rung tâm nhĩ, so với 0,92% ở những người có chu kỳ không đều. Khoảng 1,3% những người có chu kỳ đều đặn mắc bệnh tim mạch vành, so với 1,7% ở những người có chu kỳ không đều. Khoảng 0,29% bị đau tim, so với 0,45% ở những người có chu kỳ không đều.

Những phát hiện này không gây ngạc nhiên cho Tiến sĩ Stephanie Faubion, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ (Mỹ). 

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chu kỳ kinh nguyệt không đều là không tốt cho sức khỏe. Kinh nguyệt không đều sẽ khiến mọi người nghĩ về nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ", Faubion cho biết.

Faubion cũng cho biết các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt không đều và các dấu hiệu nguy cơ mắc bệnh tim như kháng insulin, cholesterol cao, huyết áp cao và viêm mãn tính. Tuy nhiên, lý do tại sao lại có mối liên hệ này thì vẫn chưa được xác định rõ. 

Bác sĩ tim mạch - Tiến sĩ Nieca Goldberg - cho biết, cần có nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch với độ dài và tính đều đặn của chu kỳ kinh nguyệt. Bà cũng cho rằng một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn với tình trạng kháng insulin và bất thường lipid.

"Chu kỳ ngắn có liên quan đến mức estrogen thấp hơn, ảnh hưởng đến mức lipid và kháng insulin. Nguy cơ rung tâm nhĩ có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố và ảnh hưởng của chúng đối với điện tâm đồ. Rõ ràng là việc tiếp tục nghiên cứu chu kỳ kinh nguyệt và nguy cơ tim mạch là rất quan trọng đối với phụ nữ", Goldberg nói. 

Đan Thùy