9 triết lý từ Khổng Tử có sức mạnh thay đổi cuộc đời bạn
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:27, 08/05/2018
Khổng Tử là một triết gia vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc có ảnh hưởng vô cùng lớn đến suy nghĩ và triết lí sống của con người phương Đông. Ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu các vấn đề về đạo đức và mối quan hệ của con người cũng như muôn vàn các khía cạnh khác của cuộc sống. Triết học của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân, sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín"...
Những triết lý của Khổng Tử được xem là những đúc kết tuyệt vời, có giá trị muôn đời đối với việc tu thân, phát triển con người:
“Sẽ chẳng hề gì khi bạn đi chậm, miễn là đừng dừng lại”
Nếu bạn đang tiếp tục tiến về phía trước, dù chậm như thế nào, cuối cùng rồi bạn cũng sẽ đạt được đích đến mình đặt ra. Điều quan trọng đó chính là hãy nỗ lực trau dồi, hoàn thiện bản thân và kiên định với công việc mà bạn đã chọn.
“Đừng bao giờ làm bạn với một người không tốt hơn mình”.
Chúng ta thường có xu hướng trở nên giống với những người gần gũi với mình. Hãy chắc chắn rằng những người bạn của ta có những phẩm chất khiến ta ngưỡng mộ và thúc giục ta hoàn thiện bản thân.
Những điều tốt đẹp luôn đi cùng với cái giá của chúng
“Thật dễ dàng để ghét và thật khó để có thể yêu. Đó là cách mà mọi thứ trong cuộc sống được sắp đặt để hoạt động. Những điều tốt đẹp luôn luôn khó đạt được, còn những điều xấu lại dễ dàng mắc phải”, theo Khổng Tử.
Việc chúng ta ghét một ai hay điều gì đó trong cuộc sống, hay cũng như việc chống đối, bào chữa... đều thật dễ dàng. Nhưng bạn có biết điều gì tạo nên động lực thật sự cho cuộc sống? Tha thứ, yêu thương và nỗ lực tối đa chính là chìa khóa cho tất cả.
Hãy mài dũa công cụ của mình trước tiên
“Những mong ước trong cuộc sống thành hay bại phụ thuộc vào sự chăm chỉ, tuy vậy một người thợ sẽ khiến công trình của mình trở nên hoàn hảo khi anh ta biết mài dũa công cụ của mình trước tiên”.
Khổng Tử đã nói: “Thành công phụ thuộc vào những sự chuẩn bị trước đó, và khi thiếu đi những sự chuẩn bị đó thì thất bại là điều khó tránh khỏi”. Bất kể bạn làm gì, nếu muốn đạt được thành công, điều trước tiên là phải chuẩn bị thật kỹ càng.
Phạm sai lầm ư? Không là gì cả
“Phạm phải sai lầm sẽ chẳng là gì cả trừ khi bạn tiếp tục nhớ về nó.”
Mắc sai lầm không thể coi như là một tội lỗi. Thực tế, nó lại là một cách tuyệt vời để hoàn thiện bản thân và thay đổi những khía cạnh con người bạn trong cuộc sống. Điều quan trọng đó là đừng để quá khứ chiếm lấy suy nghĩ của bạn.
Hãy suy xét kỹ những hệ quả có thể xảy ra
Khi cơn tức giận bùng lên, hãy nghĩ về kết quả. Solomon từng nói: “Người biết kiềm cơn giận còn mạnh hơn cả dũng sĩ”.
Luôn luôn nhớ rằng phải giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp và suy xét đến những hệ quả sẽ đến sau đó.
Khi mọi thứ đều chứng tỏ rõ ràng rằng đích đến kia không thể đạt được, bạn chớ vội thay đổi cái đích, hãy thay đổi những bước hành động của mình.
Làm chủ và giám sát chính tiến trình của mình để chắc chắn rằng bạn đang đi đúng hướng. Những chướng ngại vật sẽ đến, chính vì thế bạn cần đảm bảo bản thân có đủ sự linh hoạt để ứng phó và trụ vững để không lệch khỏi đích đến của mình.
Học hỏi từ mọi người
Khổng Tử nói: “Nếu tôi đang đi cùng với hai người, tôi sẽ xem mỗi người họ đều như là thầy của tôi. Tôi sẽ lượm lấy những điểm tốt của mỗi người rồi bắt chước. Và đối với những điểm xấu của họ, tôi sẽ sửa chúng ở bản thân mình”.
Tất cả chúng ta đều đã, đang và sẽ trải qua những thử thách cam go cũng như những trải nghiệm muôn hình muôn vẻ trong cuộc sống. Mỗi chúng ta đều có những câu chuyện để kể. Hãy giữ điều đó trong tâm trí mỗi khi trò chuyện với ai đó xung quanh.
Tất cả hoặc không gì cả
“Bất kể bạn đi đâu, hãy đi với tất cả con tim mình”.
Hãy cố gắng hết sức bởi đó là con đường duy nhất để bạn có thể tận hưởng tất cả những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Khi bạn đem theo hành trang là một trái tim nhiệt huyết, chân thành, mọi cuộc hành trình của bạn sẽ có kết quả tốt đẹp. Đừng để mỗi chuyến đi đơn giản là một lần xê dịch, hãy biến nó thành một hành trình có giá trị.
Theo Hoài Thu/ Tri Thức Trẻ - CafeF