2 anh em bị ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có dấu hiệu tăng nặng

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:41, 26/05/2023

Cả 2 anh em ăn chả lụa kèm với bánh mì bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có chuyển biến xấu hơn sau 14 ngày điều trị tại đây.

Chiều 26.5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, sau 14 ngày điều trị, cả 2 anh em (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) bị ngộ độc botulinum đang có chiều hướng tăng nặng, đặc biệt là người anh.

2-anh-em-bi-ngo-doc-botulinum-dieu-tri-tai-benh-vien-cho-ray-co-dau-hieutang-ang-hinh-anh(1).png
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh – Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau 14 ngày điều trị ngộ độc botulinum - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh – Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 14 ngày điều trị, người em vẫn chưa có sự cải thiện, hồi phục. Trong khi đó, người anh dù nhập viện trong tình trạng khá hơn người em, nhưng sau thời gian điều trị, tình trạng liệt cơ của người anh xấu hơn.

“Hiện tình trạng liệt cơ của của người anh tăng dần, đến nay sức cơ tứ chi của bệnh nhân này chỉ còn 2/5 đến 3/5”, bác sĩ Khánh nói.

Hiện cả 2 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại Phòng hồi sức tích cực, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng dùng những phương pháp điều trị tích cực để phòng ngừa những biến cố và ngăn chặn những biến chứng có khả năng xấu hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nói trước được những diễn tiến sau đó của 2 bệnh nhân trên sẽ như thế nào”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Dù tối 24.5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 2 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) từ WHO và cả 2 bệnh nhân trên được chỉ định sử dụng thuốc giải độc BAT, nhưng theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc điều trị bằng thuốc giải độc muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của bệnh nhân.

“Một trường hợp được chẩn đoán ngộ độc botulinum nếu sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và không cần phải thở máy. Nếu bắt đầu sử dụng thuốc giải khi bệnh nhân thở máy 1 đến 2 ngày sau khi ngộ độc, thì sẽ mất cả tuần để bệnh nhân cai được máy thở”, bác sĩ Hùng cho biết.

Trước đó, cả 2 bệnh nhân nam là 2 anh em ruột, trong đó người em (18 tuổi) và người anh (26 tuổi, cùng ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) ăn món chả lụa kèm với bánh mì.

Từ ngày 13.5 sau khi ăn, đến ngày 14.5 cả 2 anh em đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng có biểu hiện bị tiêu chảy.

Sau đó đến ngày 14.5 và 15.5, tình trạng tiến triển nhiều hơn và bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Trong đó, bệnh nhân 18 tuổi có diễn biến sớm nhất, vì yếu sức cơ nên nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và bệnh nhân 26 tuổi bị nhẹ hơn tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TP.HCM và xác định có sự hiện diện của độc tố botulinum tồn tại.

Sau đó, bệnh nhân 18 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy để cùng điều trị với người anh của mình – bệnh nhân 26 tuổi.

Lúc này bệnh nhân 18 tuổi, có sức cơ tứ chi chỉ là 1/5, bệnh nhân buộc phải thở máy; còn bệnh nhân 26 tuổi tình trạng sức cơ còn 3/5 - 4/5, tức là còn có thể cử động được một chút, vẫn có thể tự thở được, chưa phải thở máy.

Hồ Quang