Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh
Sự kiện - Ngày đăng : 13:45, 28/05/2023
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo Trung ương, các ban, bộ, ngành và lãnh đạo một số tỉnh nước bạn Lào, Thái Lan, các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, hội nghị được kết nối trực tuyến hơn 270 điểm cầu đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gần xa.
Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện; Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới các nhà đầu tư. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh”.
Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục triển khai những định hướng, chiến lược phát triển, tiếp tục liên kết chặt chẽ với các tỉnh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Tại hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại đây, Hà Tĩnh cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỉ đồng và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh, Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo...
Chủ tịch Quốc hội nêu "Hà Tĩnh cần tiếp tục áp dụng các giải pháp cần thiết để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cao nhất năm 2023, góp phần vào kết quả của cả nhiệm kỳ và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Giải phóng các điểm nghẽn của thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành với người dân và doanh nghiệp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo...".
Ngày 8.11.2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm:
Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh TP.Hà Tĩnh, trong đó TP.Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối TP.Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.
Trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận.
Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.
Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.