Khó khăn bủa vây, trái phiếu doanh nghiệp chưa thể tan băng trong năm 2023

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:20, 28/05/2023

Các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng và không còn sôi động trong năm 2023 trước bối cảnh thanh khoản ngày càng giảm dần.

Áp lực đáo hạn lớn

Thị trường TPDN Việt Nam năm 2022 rơi vào giai đoạn trầm lắng với những quy định mới về giao dịch đối với các tổ chức tín dụng cùng với áp lực đáo hạn ngắn hạn và xu hướng lãi suất tăng cao khiến cho việc huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước tính khoảng 790.000 tỉ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành. Điều này có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo với nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), riêng trong hai tuần cuối của tháng 5.2023, tổng giá trị TPDN đáo hạn là hơn 14.300 tỉ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là 7.000 tỉ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỉ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỉ đồng…

Lũy kế từ đầu năm tới nay, tổng khối lượng phát hành TPDN được ghi nhận đạt gần 31.700 tỉ đồng với 7 đợt phát hành công chúng có giá trị 5.500 tỉ đồng (chiếm 17% tổng khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị hơn 26.100 tỉ đồng (chiếm 83%).

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng niềm tin suy giảm cùng với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn làm cho thị trường này gia tăng mức độ rủi ro.

“Sự suy giảm huy động nguồn vốn thông qua thị trường TPDN đang là khó khăn lớn gia tăng áp lực thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và thanh khoản của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, nhất là những doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn có doanh thu và lợi nhuận kinh doanh giảm mạnh”, VEPR nêu.

trai-phieu.jpeg
Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước tính khoảng 790.000 tỉ đồng

Báo cáo của VCBS cũng cho rằng rủi ro thanh khoản trong thời gian tới sẽ gia tăng đối với thị trường tài chính nếu không được áp dụng các biện pháp kiểm soát tốt. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của thị trường TPDN đối với các nhà đầu tư.

Nhìn chung, thị trường TPDN sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng và không còn sôi động trong năm 2023 trước bối cảnh thanh khoản ngày càng giảm dần. Hệ thống giao dịch TPDN thứ cấp được vận hành và đem lại tính thanh khoản cao hơn đối với các sản phẩm sẽ là điều cần thiết để khôi phục sức hấp dẫn của thị trường trong thời gian tới.

Còn theo báo cáo thị trường TPDN tháng 4.2023 của FiinRatings, tính đến ngày 4.5, có 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với giá trị là 128.500 tỉ đồng. So sánh với tổng lượng trái phiếu đang lưu hành, tỷ lệ trả nợ chậm có xu hướng tăng theo các lần cập nhật, từ 8,15% vào thời điểm 17.3.2023 tới 9,77% một tháng sau đó và đạt mức 11,09% tại lần cập nhật mới nhất ngày 4.5.2023.

Báo cáo cho thấy 48% doanh nghiệp đang chậm trả nợ trái phiếu (trong số 69 tổ chức phát hành gặp phải tình trạng này ghi nhận tại thời điểm lập báo cáo) có liên quan đến nhau, trong đó có 27% thuộc về cùng một tập đoàn (theo quan hệ sở hữu mẹ – con, hoặc cùng một công ty mẹ), 13% có cùng pháp nhân đại diện/sở hữu và 7% là đối tác liên kết, góp vốn đầu tư của nhau.

Cấp bách khôi phục niềm tin

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam rất hạn chế về vốn. Trong đó, để triển khai dự án, ngoài kênh huy động từ ngân hàng, khách hàng thì phát hành trái phiếu là lựa chọn khá phổ biến. Tuy nhiên, việc quản trị dòng tiền, quản trị “lòng tham” không tốt đã dẫn tới sự khủng hoảng của thị trường này thời gian vừa qua.

Theo ông Nhân, trái TPDN là kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp, nhưng để thị trường này bền vững thì cần minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, những năm vừa qua, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất dễ dàng và rất lớn. Cơ quan nhà nước không sát sao trong kiểm tra, kiểm soát.

“Nhiều khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu để triển khai dự án A nhưng thực chất họ không bỏ tiền vào dự án A mà dùng để triển khai dự án B hoặc trả nợ, hoặc dùng việc khác. Có doanh nghiệp triển khai cả 50 dự án, rồi phát hành trái phiếu sau để trả nợ cho trái phiếu trước. Tuy nhiên, việc quản trị dòng tiền của doanh nghiệp yếu kém thì khi xảy ra biến động họ không thể xoay sở kịp, khủng hoảng là đương nhiên”, ông Nhân nói.

trai-phieu-3.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân

Cũng chính vì vậy, ông Nhân cho biết rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn. Nhà đầu tư hiện nay dù vẫn có tiền nhưng niềm tin vào kênh trái phiếu đã suy giảm nghiêm trọng nên họ không tiếp tục đầu tư, đặc biệt là trái phiếu BĐS. Do đó, doanh nghiệp càng khó khăn trong huy động vốn.

“Trái chủ phải biết được đồng tiền của họ bỏ vào đang được sử dụng với mục đích gì. Nếu minh bạch, rõ ràng và có kế hoạch khả quan, người dân sẽ bỏ tiền vào đầu tư. Chứ hiện nay nhà đầu tư không biết được đồng tiền của họ sử dụng cho mục đích gì thì họ sẽ không tin tưởng”, ông Nhân nói.

Nêu quản điểm về vấn đề TPDN tại một hội thảo mới đây, TS Vũ Đình Ánh cho rằng để thị trường TPDN thật sự phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn, vượt qua trạng thái “đóng băng” như hiện nay thì việc nhận diện rõ, đúng và đầy đủ rủi ro của TPDN BĐS phát hành riêng lẻ là đặc biệt cần thiết và quan trọng.

Theo ông Ánh, rủi ro hàng đầu cần đặc biệt quan tâm là pháp lý. Mãi đến năm 2020 mới có Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ trong khi việc phát hành TPDN BĐS riêng lẻ đã diễn ra khoảng 10 năm nay.

“Sự chậm trễ trong khuôn khổ pháp lý khiến cho không ít đợt phát hành TPDN BĐS đối mặt với nguy cơ vi phạm quy định của pháp luật, bị hủy phát hành nên phát sinh rắc rối và tranh chấp giữa nhà phát hành với nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư với các trung gian trên thị trường TPDN. Điều này khiến cho đặc trưng của nhiều loại TPDN BĐS phát hành riêng lẻ là 3 không, không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo và không bảo lãnh”, ông Ánh nói.

trai-phieu-2.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, khi Nghị định 65 ban hành năm 2022 thì nhà phát hành lại rơi vào trạng thái bị siết quá chặt khiến cho thị trường TPDN BĐS lập tức đóng băng và tăng rủi ro thanh khoản.

Ngoài ra, rủi ro pháp lý đối với TPDN BĐS còn đến từ một số dự án BĐS vi phạm pháp luật nên bị dừng triển khai, thậm chí thu hồi hay tài sản của doanh nghiệp BĐS bị giữ tại cơ quan điều tra nên nhà phát hành TPDN BĐS gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý và giải quyết các nghĩa vụ với các nhà đầu tư TPDN BĐS.

“Rõ ràng, chúng ta cần sớm có một khuôn khổ pháp lý phù hợp không chỉ để thị trường TPDN phát hành riêng lẻ phục hồi, phát triển lành mạnh theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế, giảm rủi ro pháp lý mà còn cần cả khuôn khổ pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong trường hợp nhà phát hành TPDN BĐS vi phạm pháp luật và trở thành đối tượng xử lý của các cơ quan chức năng”, ông Ánh nêu.

Hoài Lam