Chuyển đổi số doanh nghiệp: Khó khăn vì thiếu chi phí và “nhân lực số”
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:09, 28/05/2023
Chi phí cho chuyển đổi số lớn
Những năm gần đây, xu hướng số hóa trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng nhiều hơn công nghệ số trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức.
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, chỉ có 2,2% doanh nghiệp thực sự đạt mức độ trưởng thành số, làm chủ công nghệ, phần mềm để đưa quyết định trong kinh doanh. Còn theo Cisco, Việt Nam xếp thứ 57/146 quốc gia về mức độ số hóa, một tỷ lệ tương đối thấp so với tiềm năng công nghệ của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ MISA cho rằng một trong những thách thức lớn trong chuyển đổi số của doanh nghiệp là chi phí đầu tư.
“Để số hóa toàn diện bộ máy doanh nghiệp, các công ty phải bỏ ra một mức chi phí khá lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ”, bà Thúy nói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT, hiện mới có khoảng 15% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chỉ các doanh nghiệp lớn là có bộ phận công nghệ thông tin phụ trách các hoạt động công nghệ cho công ty. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thì bộ phận này chưa được đầu tư đúng mức vì còn hạn chế về vốn, chi phí đầu tư cao, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn khiêm tốn.
Thậm chí, theo bà Thúy, một trong những lý do khiến doanh nghiệp đắn đo trong việc chuyển đổi số mô hình vận hành là không biết bắt đầu từ đâu. Các doanh nghiệp thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể lựa chọn được giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Đoàn, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng vấn đề tài chính là thách thức đối với việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
“Đa số các doanh nhân trẻ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới và đảm bảo an ninh thông tin”, ông Đoàn nói.
Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao.
Thiếu nhân sự chất lượng cao
Rào cản đối với chuyển đổi số doanh nghiệp không chỉ nằm ở phần công nghệ, mà chủ yếu đến từ sự thay đổi của con người.
Ông Hoàng Công Đoàn cho rằng chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp có nhân lực đủ khả năng sử dụng, tận dụng các công nghệ số. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ nhân lực chất lượng cao và kiến thức về chuyển đổi số. Điều này cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo cũng như tạo điều kiện cho doanh nhân có thể tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà còn về tư duy và cách thức hoạt động. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thay đổi văn hóa tồn tại đã lâu, kháng cự việc áp dụng công nghệ mới và tận dụng các cơ hội số hóa. Do đó, để thành công, doanh nghiệp cần khuyến khích sự đổi mới”, ông Đoàn nói.
Bà Đinh Thị Thúy đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thiếu nguồn nhân lực giỏi về công nghệ, từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số.
“Mặc dù Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo nhân viên ngành công nghệ thông tin, nhưng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin còn lại cần phải có thời gian đào tạo lại. Điều này khiến cho các doanh nghiệp không thể bắt kịp với xu thế chuyển đối số như hiện nay”, bà Thúy nêu.
TS Đỗ Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Công ty OD Click cho hay, Việt Nam bàn luận rất nhiều về công nghệ nhưng sự “trưởng thành số” của Việt Nam khá thấp, tức là sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong sử dụng công nghệ thì không cao.
Một số nghiên cứu cho thấy kỹ năng số của lao động Việt Nam đứng thứ 97/100 quốc gia, rất thấp. Do đó, theo ông Long, muốn chuyển đổi số hiệu quả thì toàn bộ con người trong tổ chức phải thích ứng được với công nghệ.
Báo cáo mới đây của FPT Digital cho thấy, chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vượt bậc. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận thấy tác động tích cực từ chuyển đổi số, đặc biệt là nguồn nhân lực số. Nhiều công việc sẽ được tự động hóa với các robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn nhằm nâng cao năng suất của nhân viên và hiệu quả kinh doanh.
“Các đơn vị hành chính công và doanh nghiệp cần coi trọng khâu tuyển dụng, đào tạo và tái đào tạo toàn bộ các nhân viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, nếu không muốn bị bỏ rơi lại trong giai đoạn tiếp theo. Khi chuyển đổi số tiếp tục là chiến lược quan trọng của ngày càng nhiều tổ chức, việc liên tục phát triển và đào tạo con người giúp tổ chức liên tục nâng cao giá trị là điều cần thực hiện một cách quyết liệt”, báo cáo nêu.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định và chủ trương về chuyển đổi số với mục tiêu kinh tế số có thể chiếm 20% tỉ trọng GDP quốc gia vào năm 2025, phấn đấu 30% vào năm 2030. Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ ban ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam.