Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ họp xem xét chuyển COVID-19 xuống nhóm B, chuẩn bị công bố hết dịch

Sự kiện - Ngày đăng : 11:51, 30/05/2023

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Cuối tuần này, Thủ tướng chủ trì họp xem xét chuyển COVID-19 xuống nhóm B để chuẩn bị công bố hết dịch.

Chiều 29.5, trước khi kết thúc phiên thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến ĐBQH nêu.

Xem xét chuyển COVID-19 từ nhóm A xuống nhóm B, chuẩn bị công bố hết dịch

Ngày 29.5, khi giải trình những ý kiến đại biểu về việc chuyển từ  bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngày 5.5.2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Việt Nam. Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

"Dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, bàn thảo liên quan đến nội dung nói trên", Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay. 

lay-mau-38-1659606183383341538009.jpg
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: SKĐS

Một số giải pháp 

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm y tế, đặc biệt sau thời gian hậu COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản trình Quốc hội xem xét, kịp thời ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Hiện nay để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế…

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc, đến nay đã có hơn 10.500 thuốc được gia hạn. Về nguồn cung thuốc của Việt Nam, có đến 22.000 mặt hàng. Đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, năm 2018 Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định Bộ Y tế tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.

Theo bà Đào Hồng Lan, hồ sơ Chỉ thị này đang chuẩn bị được trình Ban Bí thư để họp và thông qua vào tháng 6.2023 với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện… Những nội dung các đại biểu nêu đã được đề cập trong chỉ thị và sẽ được cụ thể hóa.

PGS-TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết trên Báo Sức khỏe & Đời sống, hiện tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. 

Với các trường hợp nặng và tử vong, phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch...

Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các vi rút gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do vi rút miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Việt Nam đã thực hiện Chiến lược "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10.2021.

Mặc dù chúng ta chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

P.V