Hàng loạt trẻ em chết trong trại mồ côi vì giao tranh tại Sudan

Chuyển động - Ngày đăng : 14:22, 30/05/2023

Từ khi giao tranh nổ ra tại thủ đô Khartoum, bác sĩ Abeer Abdullah luôn phải vội vã chạy qua lại giữa các phòng trong trại mồ côi Mygoma lớn nhất Sudan, cố gắng chăm sóc hàng trăm trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Tiếng khóc trẻ em vang vọng khắp cơ sở trong lúc bên ngoài rung chuyển bởi tiếng súng. Do không có đủ nhân viên chăm sóc nên nhiều trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng. Một số trẻ đã qua đời sau khi bị sốt cao.

“Các bé cần được cho ăn mỗi 3 giờ nhưng lại chẳng có ai ở đó cả. Chúng tôi cố gắng tiến hành tiêm tĩnh mạch nhưng đa số trường hợp đều không cứu được”, bác sĩ Abdullah nói với hãng tin Reuters.

Bà cho biết, số trẻ qua đời hàng ngày lên tới 2 - 3 hoặc 4, thậm chí cao hơn. Trong 6 tuần từ khi giao tranh nổ ra có ít nhất 50 trẻ (trong đó ít nhất 20 trẻ sơ sinh) của Mygoma qua đời.

Theo 1 người quản lý cùng 1 bác sĩ phẫu thuật tình nguyện làm việc tại đây, nguyên nhân gây tử vong chính là suy dinh dưỡng, mất nước, nhiễm trùng.

“Cảnh tượng em bé chết trong nôi thật kinh hoàng. Thật đau đớn”, bác sĩ Abdullah chia sẻ.

sudan.jpg

Quan chức Khartoum Siddig Frini cho biết, số trẻ qua đời tại Mygoma gia tăng chủ yếu do thiếu nhân viên cùng với mất điện bởi giao tranh. Quạt hay điều hòa không hoạt động khiến cơ sở trở nên nóng bức ngột ngạt trong tháng 5, mất điện gây khó khăn cho công tác khử trùng.

Quan chức Bộ Y tế Sudan Mohammed Abdel Rahman cho biết có 1 nhóm đang điều tra tình hình Mygoma. Họ sẽ công bố kết quả điều tra sau khi hoàn thành.

Cuối tuần trước, quận nơi Mygoma tọa lạc hứng chịu không kích cùng pháo kích. Vụ nổ ở tòa nhà lân cận buộc các trẻ trong một phòng của cơ sở phải sơ tán.

Mygoma đã gặp khó từ trước lúc giao tranh nổ ra. Đây là nơi sinh sống của khoảng 400 trẻ em dưới 5 tuổi. Trung bình, mỗi phòng có đến 25 bé và tình trạng sức khỏe của các cô nhi không tốt.

Vài năm gần đây tỷ lệ tử vong tại cơ sở tăng đột biến. Mygoma chìm trong nhiều vấn đề như vệ sinh kém, lương nhân viên thấp, thiếu người.

Thế rồi giao tranh nổ ra, hầu hết nhân viên không đi làm. Hiện chỉ có khoảng 20 bảo mẫu chăm sóc 400 trẻ. Bác sĩ Doaa Ibrahim làm việc tại đây cho biết: “Tôi làm bảo mẫu, y tá lẫn bác sĩ, cho 1 bé ăn, cho vài bé khác uống kháng sinh rồi thay tã cho một số bé nữa”.

Mygoma nhận thêm trẻ trong thời gian giao tranh. Tình hình kéo dài sẽ khiến vật tư mà cơ sở cần dần cạn kiệt, nhân viên cũng không dám đi làm vì sợ bị trúng đạn.

Số trẻ qua đời tại Mygoma là một trong nhiều nạn nhân vô hình của giao tranh hiện tại. Liên Hợp Quốc xác định cuộc giao tranh đến nay đã cướp đi sinh mạng hơn 700 người, làm hàng nghìn khác bị thương và khiến ít nhất 1,3 triệu người phải sơ tán.

Giao tranh tại Sudan nổ ra từ giữa tháng trước vì 2 vị tướng hàng đầu tranh giành quyền lực. Ngày 20.5, 2 bên đạt thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo – đem lại chút thời gian nghỉ ngơi hiếm có cho người dân.

Cẩm Bình