Dải Ngân hà của chúng ta chứa đầy 'mỡ không gian'
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 06:38, 01/07/2018
Các nhà thiên văn học cho biết lớp "mỡ không gian" này rất độc hại và chúng có thể cản trở việc du hành vũ trụ của chúng ta trong tương lai.
Một nhóm nhà thiên văn học từ Đại học New South Wales (UNSW) ở Úc và Đại học Ege ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiên cứu về cái gọi là carbon béo, một dạng phân tử giống mỡ trên Trái đất. Nhóm nghiên cứu này đã tính toán được số lượng "mỡ không gian" này trong thiên hà của chúng ta.
Cụ thể, theo tính toán thì trong dải Ngân hà cứ 1 triệu nguyên tử hydro sẽ có 100 nguyên tử carbon béo. Nhân với khối lượng của dải Ngân hà thì chúng ta có được kết quả là trong thiên hà có Trái đất này chỉ có khoảng 10 tỉ nghìn tỉ nghìn tỉ tấn (10 billion trillion trillion tonnes - 1033 tấn) mà thôi.
Dù khối lượng "mỡ không gian" này là nhiều như vậy nhưng chúng lại không thân thiện với con người khi chúng là một loại mỡ bẩn và rất độc.
"Loại mỡ không gian này không phải là thứ mà bạn muốn phết lên một lát bánh mì nướng. Nó bẩn, nhiều khả năng là rất độc và chỉ hình thành trong môi trường không gian giữa các vì sao", Tim Schmidt, giáo sư của UNSW cho biết.
Giáo sư Schmidt cho hay "mỡ không gian" không có trong hệ Mặt trời của chúng ta vì chúng đã bị gió Mặt trời thổi đi xa hết. Để có thể gặp loại mỡ này chúng ta phải có tàu không gian có khả năng bay ra khỏi hệ Mặt trời và loại mỡ này thông thường cũng chỉ xuất hiện như một lớp sương mù ở điểm ngăn cách của các vì sao mà thôi.
Về mặt lý thuyết, việc nghiên cứu này có thể xác định số lượng phân tử carbon có thể tạo thành sự sống trong dải Ngân hà. Các phân tử carbon được xem như là "hạt giống" hình thành sự sống và hành tinh nào có càng nhiều phân tử carbon thì càng có cơ hội có sự sống.
Nghiên cứu này đã được xuất bản trên Thông cáo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh quốc.
Thiên Hà (theo Independent)