Khẳng định tác động của Mặt trăng tới bệnh nhân tâm thần
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 05:44, 08/09/2018
Có rất nhiều quan niệm xưa về việc Mặt trăng ảnh hưởng xấu đến hành vi của con người. Hầu hết trong số đó không được dữ liệu thực tế xác nhận, chẳng hạn như xuất hiện loạt các cuộc gọi cấp cứu trong thời gian trăng tròn. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận một thực tế rằng Mặt trăng ảnh hưởng đến động vật, chẳng hạn như nhiều loài động vật định hướng bằng ánh trăng và thủy triều, một hiện tượng xảy ra trong một chu kỳ biến chuyển thiên văn.
Trong công trình nghiên cứu mới, các bác sĩ đã nghiên cứu chi tiết hành vi của một bệnh nhân 51 tuổi bị rối loạn lưỡng cực. Khi mắc căn bệnh này, tâm trạng của con người thay đổi theo chu kỳ từ trầm cảm đến hưng cảm, biểu hiện sự hiếu động thái quá. Đồng thời, giấc ngủ bị rối loạn: trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh ngủ quá nhiều và khi hưng cảm lại ngủ quá ít. Kết cục giống như một vòng tròn luẩn quẩn, rối loạn giấc ngủ vừa là hậu quả của căn bệnh này vừa là nguyên nhân khiến tâm trạng thay đổi đột ngột.
Thông thường, giấc ngủ được điều chỉnh bởi đồng hồ sinh học nội tại, nhịp sinh học được điều chỉnh cho một ngày là 24 giờ. Nhưng bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, đặc trưng cho trao đổi chất là chu kỳ là 24,8 giờ. Mặt trời quyết định thời điểm bệnh nhân đi ngủ, nhưng anh ta tỉnh dậy theo vị trí của Mặt trăng. Mỗi kỳ trăng thượng tuần, xảy ra một lần trong vòng 29,5 ngày, bệnh nhân bị chứng mất ngủ và chuyển từ giai đoạn trầm cảm sang giai đoạn hưng cảm.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sau khi bệnh nhân được áp dụng chế độ nghiêm ngặt trong ngày, chu kỳ thay đổi tâm trạng biến mất. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, với chế độ sinh hoạt hàng ngày thông thường, cả chu kỳ Mặt trời lẫn chu kỳ Mặt trăng đều chịu trách nhiệm về sự thay đổi tâm trạng ở bệnh nhân, mặc dù ảnh hưởng của Mặt trăng tới các quá trình sinh lý từ trước đến nay đã bị xem nhẹ.
Vũ Trung Hương