Đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng ở mức 3 - 4%
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:30, 31/05/2023
Doanh nghiệp khỏe thì đất nước mới cường thịnh
Thảo luận tại Quốc hội sáng 31.5, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023 chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân là lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc nếu tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải sống thật khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh”, ông Thắng nêu, và cho rằng trước tiên cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Ngoài ra, cần khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định: “Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Theo đại biểu Trí, đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.
Thông báo giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận
Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
“Cần giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém”, ông Trí nêu.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Vì vậy, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, nên chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.
“Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột”, bà Vang nêu.
Theo nữ đại biểu Vang, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Nên giảm thuế GTGT ở mức 3 - 4% chứ không phải 2%
Theo đại biểu Tô Ái Vang, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa 15. Đại biểu Vang đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận, bởi việc giảm thuế GTGT, người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
“Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế GTGT từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế, bởi vì trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm thuế, gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế GTGT ở mức nhiều hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua”, đại biểu Vang nêu.
Từ đó, bà Vang cho rằng doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển tế xã hội các địa phương trong cả nước.
Đại biểu Vang cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế GTGT kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.
Đại biểu Trần Thị Vân thì đồng thuận với với giải pháp giảm thuế GTGT 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...
Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỉ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỉ đồng thì được hơn 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỉ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lặp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.
“Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỉ đồng có khả thi hay không? Trong khi đó, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong”, bà Vân nói.