Các nhà đầu tư: Mặt trận chip là thách thức lớn nhất với ngành ô tô điện Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 10:39, 01/06/2023
Điều này có thể đặt ra thách thức trong tương lai cho ngành công nghiệp ô tô điện đang bùng nổ của nước này.
“Mặt trận chip đang đầy thách thức và sẽ là thách thức lớn nhất với ngành ô tô điện. Đó là cuộc chiến khó khăn, với một chặng đường dài phía trước. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, Yuan Bing, đồng sáng lập Rockets Capital, cho biết trong một hội thảo về ô tô điện và năng lượng mới tại Hội nghị thượng đỉnh vốn cổ phần tư nhân Trung Quốc 2023 ở Hồng Kông.
Rockets Capital là công ty cổ phần tư nhân được thành lập bởi hãng khởi nghiệp ô tô điện Xpeng (Trung Quốc).
Trung Quốc hiện không thể tiếp cận các chip tiên tiến, chẳng hạn chip được sử dụng trong smartphone và máy tính xách tay mới nhất, do lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
Dù Trung Quốc đã thành lập đội quân các nhà sản xuất có khả năng tạo ra các chip nút trưởng thành để sử dụng cho ô tô ngày nay, nhưng sẽ cần nhiều chip tiên tiến hơn trong tương lai để cung cấp năng lượng cho thế hệ ô tô điện tiếp theo.
Một chiếc ô tô chạy bằng xăng cần khoảng 200 chip, trong khi trung bình một ô tô điện cần hơn 1.000 chip. Dự kiến sản lượng chip ô tô của Trung Quốc năm 2023 sẽ đạt 17,2 tỉ USD, tăng 55% so với giá trị sản lượng vào 2018, theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn Askci Consulting Co. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tăng cường sản xuất nội bộ và những nhà cung cấp bên thứ ba như Horizon Robotics, Black Sesame cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh.
Ian Zhu, quản lý tại Nio Capital, hãng cổ phần tư nhân liên kết với công ty khởi nghiệp ô tô điện Nio, cho biết các công ty Trung Quốc có lợi thế chính so với các đối thủ phương Tây là gần gũi hơn với khách hàng.
"Rất nhiều chip sẽ được thiết kế lại và có rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tham gia. Họ gần gũi hơn với khách hàng của mình và nhận thông số kỹ thuật từ các nhà sản xuất ô tô. Ngoài ra, chip ô tô không phải là lĩnh vực chip nhạy cảm nhất. Hiện tại, chúng không nằm trong nhóm chip bị cấm hoặc hạn chế cao nhất”, Ian Zhu nhận xét.
Ian Zhu cho biết trong một số lĩnh vực nhất định của công nghệ ô tô điện, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc thay thế hàng nhập khẩu, chẳng hạn lập bản đồ chính xác được sử dụng trong các ứng dụng Lidar (phát hiện ánh sáng và phạm vi).
Cảm biến Lidar được coi là thành phần thiết yếu trong việc phát triển xe lái hoàn toàn tự động, cho phép xe điều hướng giao thông trong đô thị đông đúc mà không cần sự can thiệp của con người.
Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu và phát triển cao là một thách thức với nhiều công ty. Ví dụ Hesai Group (nhà sản xuất cảm biến cho ô tô thông minh có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) đã ghi nhận doanh thu tăng 73% trong ba tháng quý 1/2023, nhưng chi phí nghiên cứu và phát triển của họ đã tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái lên 208,5 triệu nhân dân tệ (29,3 triệu USD), dẫn đến khoản lỗ ròng 118,9 triệu nhân dân tệ.
Yuan Bing nói các công ty cảm biến Lidar của Trung Quốc vẫn cần thời gian để mở rộng quy mô và mang lại lợi nhuận cho ngành, dù công nghệ của họ đã trở thành hàng đầu thế giới.
“Các công ty cảm biến Lidar mà chúng tôi đang đầu tư đang bị tụt lại phía sau một chút, nhưng trong một vài năm tới, họ sẽ có lãi và sẽ dẫn đầu ngành”, Yuan Bing nói.
Ian Zhu cũng kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu giảm bớt lo ngại về sự tham gia của nhà nước vào ngành công nghiệp ô tô điện đông đúc của Trung Quốc, bao gồm cả trợ cấp. Ông lập luận rằng những công ty dẫn đầu thị trường ngày nay là những hãng đang sản xuất phương tiện đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và mua ô tô điện. Chỉ trong hai năm qua, số lượng ô tô điện bán ra hàng năm tại Trung Quốc đã tăng từ 1,3 triệu lên con số khổng lồ 6,8 triệu, tiếp tục đưa quốc gia này trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới năm thứ 8 liên tiếp. Trong khi đó, số ô tô điện mà Mỹ bán vào năm 2022 chỉ dừng lại ở con số khoảng 800.000.
Theo một số chuyên gia, chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng tạo nên sự phát triển bằng cách hỗ trợ cả nguồn cung và cầu về ô tô điện.
Ngoài ra, nhờ các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ, giảm thuế và các chính sách ưu đãi khác khác, hàng loạt thương hiệu ô tô điện nội địa đã xuất hiện đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Trung Quốc. Chính điều này đã hình thành một tệp lớn các khách hàng trẻ tuổi mua ô tô điện.
Trung Quốc chiếm 50% doanh số bán xe và 20% năng lực sản xuất của Tesla. Thế nhưng, để giữ thị phần tại Trung Quốc, công ty của Elon Musk phải bước vào cuộc chiến giá gay gắt.
Tại Trung Quốc, Tesla phải giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà sản xuất nội địa như BYD, Nio và Zeekr (thương hiệu của Geely Automobile).
Các hãng ô tô điện Trung Quốc có thể nhận được một cú hích nữa nếu CATL thực hiện kế hoạch giảm giá mạnh các loại pin được sử dụng trong xe của họ. CATL là hãng sản xuất pin Trung Quốc khổng lồ và cũng là nhà cung cấp chính cho Tesla.
Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sản xuất trong nước có cơ hội tốt để tăng thị phần vào năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và lựa chọn những chiếc xe rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
BYD cùng công ty khởi nghiệp như Li Auto và Leapmotor sẽ hưởng lợi từ việc hạ tiêu chuẩn tiêu dùng khi những tài xế chuyển hướng sang các mẫu xe rẻ hơn sau những lo lắng về triển vọng việc làm và tiền lương của họ, theo các nhà phân tích và đại lý bán hàng.