Tòa trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra bổ sung

Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 01/06/2023

Tòa án nhân dân TP.HCM đã trả hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm để Viện kiểm sát cùng cấp điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án.
nguyen-phuong-hang.jpeg
Bà Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream

Viện KSND TP.HCM cho biết ngày 31.5, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ vụ án "Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" từ Tòa án nhân dân cùng cấp để điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án.

Trước đó, vào tháng 4.2023, Viện KSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên đại học), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam) ra Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM)…

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai, các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.

Để tăng uy tín, độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, bà Nguyễn Phương Hằng mời ông Đặng Anh Quân là tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, tham gia vào những buổi livestream của mình.

Khi bà Phương Hằng phát ngôn xúc phạm người khác, ông Quân cùng tương tác, phát ngôn nội dung liên quan, "góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội".

Việc tham gia của ông Quân dừng lại khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam. Trong vụ án này, ông Quân bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Công an TP.HCM xác định 3 bị can Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Ba bị can này còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...

Sau khi hoàn tất cáo trạng, Viện kiểm sát đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử. Tòa án nhân dân TP.HCM sau đó đã phân công thẩm phán Bùi Đức Nam thụ lý, giải quyết vụ án.

Trong thời gian chuẩn bị, từ trại tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng đã làm đơn từ chối 8 luật sư bào chữa cho mình do người thân mời, chỉ còn một người bào chữa là luật sư Hồ Nguyên Lễ.

Ngày 31.5, Tòa án nhân dân TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm.

L.H