Vấn nạn cuồng nuôi Kumanthong
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:33, 26/03/2019
Gần đây, sự đồn đoán về việc cô gái 20 tuổi tử vong khi rơi từ trên tầng cao chung cư The Gold View ở TP.HCM vì bị Kumanthong hãm hại hay hình ảnh một đám cưới có sự góp mặt của 18 con Kumanthong ngồi chật kín bàn tiệc đã gây xôn xao trong dư luận.
Dù chưa biết thực hư về quyền phép của Kumanthong nhưng trào lưu một bộ phận người Việt nuôi búp bê có nguồn gốc Thái Lan để cầu tài lộc đang là một vấn nạn hiện nay.
Nuôi kumanthong như con
Trên mạng xã hội, nhiều người đồn thổi về Kumanthong, một loại búp bê được các pháp sư Thái Lan yếm vào các vong hồn và xác chết thai nhi, có năng lực siêu nhiên, người nào nuôi sẽ được ban cho nhiều tiền tài, thực hiện được mọi ước muốn của chủ nhân.
Hàng loạt clip chứng minh búp bê Kumanthong có thể tự uống nước đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và bỏ một số tiền không nhỏ để mua búp bê về "nuôi". Để nuôi được một Kumanthong, người nuôi phải làm lễ rước về, yêu chiều búp bê như con, phải đọc chú hàng ngày.
Kumanthong được chăm sóc như một đứa trẻ thực thụ - Ảnh: Internet
Không những vậy trên mạng xã hội còn xuất hiện các hội nhóm liên quan đến búp bê Kumanthong, cũng thu hút thành viên từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn người như "Nhóm nuôi và chăm sóc Kumanthong", "Nhóm nuôi Kumanthong và lukthep", "Hội Kumanthong", "Bùa thiêng phong thủy". Hàng ngày, các thành viên thường chia sẻ cách chăm sóc búp bê, cho ăn thế nào, cách dạy dỗ khi búp bê hư. Nhiều bạn trẻ còn tổ chức các buổi giao lưu bên ngoài, đem búp bê theo để trao đổi quần áo, trao đổi kinh nghiệm nuôi.
Nuôi càng nhiều búp bê thì được phù trợ càng mạnh, nên nhiều người dốc tâm sức chăm sóc Kumanthong được vui vẻ bằng cách mua thật nhiều quần áo, đồ ăn hay thậm chí cả trang sức bằng vàng. Nếu không chăm sóc kỹ lưỡng hay có ý định từ bỏ thì sẽ bị Kumanthong hãm hại, quấy phá. Vì muốn được mong phát tài nhanh nên hầu hết các tín đồ đều răm rắp cung phụng, có người đến việc ăn ngủ hay bất cứ quyết định việc gì cũng phải hỏi xin phép Kumanthong mới dám làm.
Tràn lan thị trường buôn bán Kumanthong
Trước đây, người Thái Lan ưa chuộng Kumanthong vì tin rằng nó sẽ mang lại may mắn, bình an cho gia đình. Nhưng cách đây vài chục năm, luật pháp nước này đã nghiêm cấm việc "chế tạo" mua bán và sử dụng kumanthong. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, những đồn thổi truyền tai nhau về quyền năng siêu phàm khiến cho Kumanthong vẫn luôn là một thứ hàng "chợ đen" đắt giá được nhiều người săn lùng và bằng nhiều cách, loại búp bê này vẫn đang được công khai rao bán tràn lan tại Việt Nam.
Không khó để người ta tìm thấy một loạt các trang giới thiệu mua bán Kumanthong với đủ dạng, kích thước. Được biết, giá mỗi búp bê Kumanthong có giá từ 5-10 triệu đồng tùy độ mạnh của bùa phép. Loại nhỏ, rẻ hơn thì có giá 1,2 triệu, tuy nhiên cũng được quảng cáo là mạnh không kém. Rẻ nhất là loại búp bê cầu may, cầu duyên, đắt nhất là búp bê có khả năng "triệt hạ đối thủ", "hãm hại kẻ thù"... Đặc biệt nhất là dòng Kumanthong phép đen, được quảng cáo làm từ những chất liệu đầy ma quái như tóc của người chết không phân hủy, từ tro người chết trẻ nên độ thiêng cực cao, do vậy giá tiền cũng cực kỳ đắt.
Buôn bán Kumanthong tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh: Internet
Tác hại của sự cuồng tín
Để thỏa mãn sự cuồng tín và tham vọng, nhiều người đã bỏ không ít tiền để nuôi Kumanthong và đắm chìm vào thế giới bùa chú, xa rời thực tại, trở thành những người mê tín dị đoan. Sở dĩ câu chuyện về cái chết của cô gái trẻ tại chung cư The Gold View được lan truyền nhanh chóng trong thời gian qua là bởi vì cơ quan chức năng phát hiện trong nhà cô gái có rất nhiều búp bê Kumanthong. Họ đồn đoán liệu cô gái có phải bị Kumanthong hãm hại do không được chăm sóc đúng cách hay không. Hay gần đây một đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ bế búp bê Kumanthong ra chợ, mua đồ ăn, cho uống sữa như một đứa trẻ càng khiến dư luận hoang mang, rùng mình.
Cho đến nay, chưa một nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng trong thực tế của bùa ngải nói chung và búp bê Kumanthong nói riêng. Sự xác thực về việc nuôi búp bê có mang lại những điều người nuôi mong muốn hay không, đến giờ vẫn chỉ là những chuyện lưu truyền trên diễn đàn ảo.
TS. Nguyễn Ngọc Mai (Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và Tôn giáo truyền thống, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam" chia sẻ:
"Nó xuất phát từ tâm lý đám đông. Một số người lúc đầu thỉnh bên Thái Lan về nuôi, có thể có tác dụng, có thể chỉ là sự trùng lặp nhưng mọi chuyện bắt đầu được truyền tai nhau, một đồn mười, sau đó một số người buôn bán Kumanthong sẽ tạo những website, fanpage giả để tung hô hiệu quả của kumanthong, khoác lên nó tấm áo ma mị, thần kỳ để thu hút người mua".
Thực chất, ngày xưa các nhà sư cao tay mời vong linh thai nhi nhập vào búp bê là xuất phát từ lòng trắc ẩn, muốn các linh hồn có nơi cư ngụ, sau đó được đưa vào chùa ngày ngày nghe kinh, giảng đạo, hướng thiện cho đến khi siêu thoát. Tuy nhiên, sau đó nó biến tướng trở thành một loại bùa ngải và là một cách kiếm tiền phục vụ lợi ích cá nhân.
Nhiều người lợi dụng sự mê muội, cuồng tín của người khác để kinh doanh trục lợi, gieo rắc những điều kỳ quái trong cộng đồng và tạo suy nghĩ lệch lạc rằng không cần lao động chân chính, chỉ cần chờ quyền lực siêu nhiên vẫn có thể đạt được mục đích. Khi không đạt tham vọng sẽ trở nên ích kỷ, thậm chí trở nên độc ác, hãm hại người khác.
Mọi người nên có lý trí và tỉnh táo để nhìn nhận rõ việc này, chớ bị mê hoặc bởi niềm tin không sáng suốt rồi mất tiền bạc và phí phạm thời gian để tiếp tục cung phụng búp bê Kumanthong vô tri vô giác một cách phản khoa học.
Đan Thùy