Chuyện ngư phủ cúng vong trên biển và tôn thờ thần biển
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 13:02, 02/06/2019
Gặp vận “đen” nếu dám xem thường… thần biển
Lâu nay, chúng tôi luôn nghe nhiều ngư dân đồn đoán rằng, người tham gia hoạt động đánh bắt trên biển mà không cúng kiến thần biển hoặc những vong linh của những người đã khuất khi vươn khơi đánh bắt sẽ bị những vong linh này quấy phá, khiến cho công việc đánh bắt gặp khó khăn, thua lỗ. Thoạt nghe, PV cứ tưởng ngư dân vùng biển Cà Mau chỉ đùa vui, chứ việc đánh bắt là do thời tiết, con nước và cách chọn địa điểm để thả lưới chứ liên quan gì đến những việc tâm linh, mê tín đó. Nhưng không, điều mà nhiều ngư dân đi biển kể - theo họ là có thật, và thậm chí nếu ai lơ là, xem nhẹ việc việc cúng kiến sẽ gặp vận xui xẻo trong những chuyến vươn khơi.
Điều đó, đã được minh chứng qua lời kể của những ngư dân từng chứng kiến sự việc mà họ gặp phải trong quá trình đánh bắt xa bờ. Anh Võ Văn Dúng, ngư dân - ngụ xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: “Cái gì nói đùa được, chứ ra biển mà nói những điều xui xẻo là rất kiêng kỵ, vì sẽ linh ứng ngay. Do đó, chúng tôi rất sợ phải nói những điều không hay. Có khi vì những câu nói đùa “chết chóc” tưởng như vô hại nhưng hóa ra rất “tai hại”.
Tôi chẳng biết điều đó là sự trùng hợp hay là sự linh ứng của thần biển, nhưng đã có nhiều trường hợp gặp nạn như vậy rồi. Còn chuyện mất mùa vì không thờ cúng thần biển là chuyện cơm bữa. Có những trường hợp gặp nạn, nhẹ thì gãy tay chân, nặng thì chết mất xác ngoài biển. Thần biển là vị thần cai quản đại dương, nên phải thờ cúng đàng hoàng thì mới mong có được chuyến biển bội thu, không gặp sóng to, gió lớn mỗi lúc vươn khơi đánh bắt”.
Chẳng lẽ người đi biển phải tuyệt đối kiêng kỵ những câu nói gở và phải đặt niềm tin tuyệt đối vào những yếu tố may mắn chăng? Chứng kiến lời kể của nhiều ngư dân miền biển, chúng tôi mới cảm nhận được họ rất tin sự linh ứng của thần biển. Muốn yên bình đánh bắt, ngư dân phải thờ và cúng kiến rất trang nghiêm cho thần biển trước khi vươn khơi. Điều đó, theo họ, sẽ tránh được những cơn thịnh nộ, giận dữ của đại dương.
Anh Trần Thanh Điền, ngư dân ngụ TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời - người có gần 30 năm kinh nghiệm đi biển cho biết, anh luôn có niềm tin tuyệt đối vào thần biển, và vong linh ngư dân đã khuất - Ảnh: Anh Duy
Anh Huỳnh Văn Trải, ngư dân có trên 20 năm kinh nghiệm đi biển, ngụ tại thị trấn Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển, chia sẻ: “Trước mũi ghe tôi lúc nào cũng có bàn thờ thần biển. Mình là ngư dân, thần biển được xem như là tổ nghề, muốn trúng mùa, làm ăn thuận lợi thì phải thờ cúng tổ nghề trang nghiêm mới được. Do đó, trước những chuyến biển, khi ra đến cửa là tôi thường cúng kiến, vái lạy rất trang nghiêm. Khi thì tôi cúng mâm trái cây, khi thì vịt gà, heo quay và rượu… chỉ với mong muốn có được chuyến biển được bình an, thuận lợi khi đánh bắt”.
Anh Trải kể, ngày trước ở địa phương có 1 lão ngư không bao giờ tin vào yếu tố tâm linh, lão ngư này chẳng hề cúng kiến bất cứ thứ gì. Nên khi ra biển đánh bắt, phương tiện của ông này thường gặp trục trặc, tai nạn. Khi thì phương tiện bị hư hỏng, lúc thì có lao động trên tàu gặp nạn gãy tay chân.
“Cứ vài ba chuyến biển thì phương tiện của ông ấy gặp vận “đen” một chuyến và hầu như rất thường xuyên. Có lần bực tức vì máy hỏng, lão ấy dõng dạc, giọng thách thức: “Do ý thức của mình thôi, cúng kiến tổ nghề gì chứ, nếu có ngon thì “vật” tao đi”. Đến chiều hôm ấy khi lão ngư này dùng xệ (loại dụng cụ bằng máy - PV) để kéo lưới. Trong lúc kéo lưới, lão ngư bị xệ quấn dẫn đến đứt lìa cánh tay, suýt mất mạng”, anh Trải kể lại sự việc.
Theo lời anh Trải, kể từ khi bị tai nạn “thập tử nhất sinh” đó, lão ngư này không bao giờ dám nói gở nữa và ông bắt đầu lập bàn thờ cúng thần biển ngay trước mũi tàu của mình. “Ông ấy giờ đã qua đời rồi, ở xóm này ai cũng biết chuyện đó cả. Bởi vậy, ngư dân chúng tôi luôn lấy ông ấy làm bài học và tự nhắc nhở bản thân phải tôn sùng tổ nghề. Tuyệt đối, không được xem thường, hay xúc phạm thần biển. Vì một khi buông lời không hay, bản thân sẽ bị trả giá đắt”, anh Trải đúc kết kinh nghiệm.
Trước khi ăn phải cúng vong
Nhiều ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc, H.Ngọc Hiển cho biết, trong những chuyến làm việc trên biển họ thường nằm mộng thấy những vong linh đã khuất đến chọc phá, đánh thức ngư dân giữa khuya, xin ăn, đè lên người… khiến cho họ hoang mang, lo sợ. Có mặt tại cửa biển Rạch Gốc, anh Trần Thanh Điền, ngư dân ngụ thị trấn Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, hiện làm việc cho 1 tàu cá ở Kiên Giang, nói:
“Tai nạn gặp phải khi làm việc trên biển có rất nhiều và chính tôi cũng từng suýt mất mạng. Từ sau vụ tai nạn đó, tôi luôn có ý thức rằng, trước khi ăn cơm, tôi thường cúng vong 1 chén trước, sau đó mới ăn. Bởi, đó là những vong hồn đã khuất khi gặp nạn trên biển, họ thường rất đói khát, nếu không cúng kiến họ sẽ theo, quậy phá, ám mình hoài. Thậm chí, là lôi mình theo họ”.
Thật rùng rợn! Đó là cụm từ mà PV phải thốt lên khi nghe anh Điền chia sẻ về yếu tố cúng vong. Anh Điền cho hay, cách đây khoảng 5 năm, trong lúc anh kéo xệ và sang tay cho 1 ngư dân khác, do bất cẩn của người này đã khiến đầu anh va đập vào xệ kéo dẫn đến bất tỉnh, rơi xuống biển. Nhưng nhờ có vong kêu, anh ý thức được và tự ngoi lên mặt nước, không bị ngộp thở. May mắn đã giúp anh Điền thoát chết.
“Khi rơi xuống biển, tôi gần như bất tỉnh hoàn toàn. Khi đó, trong tâm thức tôi nhìn thấy 1 người dưới biển cứ thúc đẩy tôi lên, luôn miệng kêu tôi không được ngủ. Người này còn nói, nếu tôi lên được tàu an toàn thì nhớ cúng cơm cho họ trong mỗi bữa ăn. Từ câu nói đó, tôi mới cố gắng dùng hết sức lực để ngoi lên mặt nước, sống sót. Sau lần đó, tôi phải nằm viện điều trị gần 10 ngày và khi trở lại biển làm việc, trong mỗi bữa ăn, tôi đều cúng cơm cho những vong linh đã khuất trên biển”, anh Điền chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Thành Long, ngụ xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tâm sự: “Những người gặp nạn trên biển họ rất linh thiêng, đêm ngủ tôi thường nằm mộng thấy hoài. Khi thì họ trèo lên tàu cá than lạnh lẽo, lúc thì vào bếp lục cơm nói là đói. Khi đó, tôi lạnh toát mồ hôi hột. Chắc do mình yếu vía nên mới thấy, chứ nhiều ngư dân khác có ai thấy đâu, chỉ riêng tôi à”.
Đối với ngư dân khi vươn khơi, trong những bữa ăn họ đều cúng vong những người đã khuất, với mong muốn có được chuyến biển bình yên, trúng mùa - Ảnh: Anh Duy
Sau nhiều lần nhìn thấy vong của những ngư dân gặp nạn trên biển quấy phá, anh Long đã ý thức và bàn bạc với chủ tàu, trong những bữa ăn, nên cúng vong 1 chén, ngư dân chẳng mất thứ gì. Có khi họ còn phù trợ, giúp đỡ cho họ trong những chuyến biển.
Ông Châu Văn Huỳnh, chủ 1 tàu cá ở Rạch Gốc cho biết: “Vong của ngư dân gặp nạn trên biển rất linh thiêng, mình chu đáo, cúng kiến đàng hoàng thì họ sẽ phù trợ, giúp đỡ mình trúng mùa hải sản. Trái lại, nếu xem nhẹ việc cúng kiến này, những vong hồn sẽ liên tục quấy phá làm cho máy móc hư hỏng, lưới rách hoặc thất mùa, gặp nạn… Đó là lý do, trong mỗi bữa ăn, ngư dân chúng tôi đều dành riêng 1 phần ăn để cúng vong”.
Ông Hồ Thanh Dân, Trưởng ấp Ô Rô, xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, nói: “Tục thờ cúng thần biển hoặc cúng vong lâu nay đã trở thành phong tục truyền thống của ngư dân địa phương. Cứ mỗi chuyến vươn khơi là ngư dân đều cúng thần biển với mong muốn trời êm, bể lặng và có được chuyến biển bội thu. Trong bữa ăn hằng ngày, ngư dân đều cúng vong hồn ngư dân gặp nạn trên biển để họ không quấy phá trong lúc đánh bắt trên biển. Đối với ngư dân xứ Rạch Gốc này, họ rất tin tưởng vào những yếu tố này”.
Ngư dân khá sùng tín, và niềm tin của họ giành cho vị thần cai quản đại dương và những vong linh đã khuất là rất lớn. Bởi họ tin rằng, nếu thờ cúng chu đáo sẽ mang lại sự bình yên, may mắn giữa muôn trùng khơi. Trái lại, sẽ gặp báo ứng, nếu xem nhẹ, coi thường việc thờ cúng này. Nghề biển - nghề của những rủi ro, cơ cực nên yếu tố tâm linh sẽ là động lực tinh thần giúp cho ngư dân an tâm, bám biển và vững tin hơn trước muôn trùng đại dương rộng lớn.
Anh Duy