Người cổ đại Homo sapiens châu Á từng giao phối với người Denisova
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:26, 11/07/2019
Theo Proceedings of the National Academy of Science, một công trình nghiên cứu mới cho thấy rằng cấu trúc răng hàm dưới, đặc trưng cho nhiều người châu Á và người da đỏ Mỹ, không phải do đột biến muộn, như đã nghĩ trước đây, mà là được thừa hưởng từ người cổ đại - Denisova.
Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận như vậy khi nghiên cứu răng hàm dưới được tìm thấy trong một hang động Tây Tạng vào năm 1980. Đặc biệt, vào tháng 5 năm nay, một phân tích về chuỗi a xít amin của ngà răng cho thấy hàm thuộc về người Denisova. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử khi hài cốt của người Denisova được tìm thấy bên ngoài hang động Denisova ở Altai và đây là mảnh xương thứ 6 của người Denisova được khoa học biết đến.
Mảnh xương hàm hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 160.000 năm bên trong hang động Baishiya Karst (cao 3.280 m) trên cao nguyên Tây Tạng làm thay đổi hiểu biết về cách con người thích nghi sớm với cuộc sống núi cao. Khi đã xác định được xương thuộc về hàm của người Denisova, các nhà khoa học đã quyết định nghiên cứu kỹ hơn.
Họ chú ý đến một dấu hiệu hiếm gặp: một chiếc răng hàm có ba chân răng. Thông thường, răng hàm của con người có 3 chân răng ở hàm trên và 2 chân răng ở hàm dưới. Nhưng nhiều người Mongoloid cũng có răng hàm dưới với 3 chân răng. Răng hàm dưới đầu tiên có 3 chân răng là ở 22,7% người Nhật, ở 19,2% người Thái, 12,5% người Eskimo, 16% người Malaysia. Đặc điểm này ít gặp ở người da trắng (2,5 - 4,7%) và thậm chí ít hơn nữa ở người châu Phi (2,8%).
Từ trước đến nay, khoa học thường tin rằng một đặc điểm như vậy của cư dân châu Á phát sinh do một đột biến gien xảy ra sau khi người Homo sapiens rời khỏi châu Phi. Nhưng bây giờ, sự hiện diện của 3 chân răng hàm dưới cho thấy khả năng người Homo sapiens châu Á có thể có được những chiếc răng như vậy trong quá trình giao phối với người Denisova.
Trước đó, khoa học đã xác định được rằng người Denisova đã từng giao phối với người Homo sapiens cổ đại. Di sản di truyền của họ được tìm thấy ở người Úc, cư dân New Guinea và các đảo Melanesia, cũng như ở người Tây Tạng, người Eskimo và đại diện của một số dân tộc khác ở Đông Á. Ví dụ, người Tây Tạng đã nhận được một biến thể của gien EPAS1 từ người Denisova để tạo điều kiện cho họ sống sót trong điều kiện không khí loãng ở những ngọn núi cao.
Vũ Trung Hương