Chuyện kiêng kỵ kỳ lạ của người nuôi thủy sản
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:04, 10/07/2019
Cứ kiêng cho... lành
Nhiều người nuôi tôm ở các H.Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân… kể rằng, người đang nuôi tôm mà đem nướng tôm ăn tại vuông, là không may mắn. Nếu ai không biết, hoặc đã nghe người khác khuyên bảo mà vẫn cố chấp, hoặc không tin thì sẽ nhận lấy hậu quả. Thực tế có những chuyện trùng hợp, đã có rất nhiều trường hợp nuôi tôm trúng liên tiếp nhiều mùa vụ, nhưng vì không tin và không nghe lời khuyên của người khác nên bắt tôm đem nướng, để rồi khi tai họa ập đến, liên tiếp đón lấy những mùa vụ thất bát, tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh. Khi đó, nhiều hộ lại tỏ ra tiếc nuối, hối hận vì đã không nghe lời khuyên bảo của những người đi trước.
Ông Quách Văn Quyền, người nuôi tôm (ngụ xã Viên An, H.Ngọc Hiển) chia sẻ: “Nghề nào cũng có những quy định riêng, dù điều đó khoa học không chứng minh, nhưng đôi lúc mình phải tin và nghe theo. Chứ cố chấp làm theo ý mình là không hay, đừng để đến khi ngộ ra thì đã quá muộn. Tôi nói thật, trước đây, tôi cũng không tin đâu, nhưng tôi không làm theo ý mình, mà phải tìm hiểu xem nó như thế nào. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người cao hứng vì lời thách đố mà bắt tôm nướng rồi và những người này đều chung một kết cuộc, đó là nghèo vì mất mùa”.
Ông Quyền còn cho biết nhiều bạn bè của ông vì không tin lời cảnh báo nên đã rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì lỡ bắt tôm nướng trong tiệc nhậu. Đến khi tỉnh rượu, những người này có hối hận thì đã quá muộn. Thậm chí, có trường hợp uất ức tìm đến cái chết vì nợ nần vây bủa, cùng đường nên đã nghĩ quẫn.
“3 năm trước, người bạn thân nhất của tôi đã tự vẫn chết chỉ vì lời thách đố của bạn bè trong bữa tiệc nhậu. Còn nhớ, lần đó, nó nuôi 2 ao tôm công nghiệp, cũng sắp đến ngày thu hoạch rồi. Rượu vào lời ra, anh em thách đố nhau, nó ra ao tôm đặt nhá (loại dụng cụ dùng để cho tôm ăn) bắt tôm đem nướng. Kể từ hôm đó, lượng thức ăn cho tôm bỗng dưng ít lại, nó xuống ao mò thì tôm chết nằm dưới đáy rất nhiều. Uất ức vì tôm đến ngày thu hoạch mà xảy ra như vậy, nó tự trách và không giữ được bình tĩnh nên đã tìm đến cái chết vì gánh nặng nợ nần”, ông Quyền kể về bạn mình.
Người nuôi tôm họ rất dị đoan, nếu nướng tôm sẽ xảy ra rất hiệu hậu quả và kết quả nhận lấy là... nợ nần - Ảnh: Anh Duy
Anh Trương Tuấn Cảnh, người nuôi tôm (ngụ xã Lâm Hải, H.Năm Căn) cho biết: “Trong nuôi tôm, người dân kỵ nhất là nướng tôm, khi đó hậu quả sẽ rất lớn như, dịch bệnh trên tôm nuôi, tôm tự nhiên chết hàng loạt… Nhiều trường hợp như vậy lắm rồi. Điều đó đã trở thành kinh nghiệm “xương máu” của nông dân chúng tôi mới đúc kết được đấy”.
Khi PV đặt nghi vấn, tại sao mình không dám nướng tôm vì sợ tai họa do mất mùa, mà có nhiều lái tôm vẫn nướng một cách rất bình thường? Anh Cảnh cho rằng, không nướng tôm chỉ đối với người nuôi thôi, còn khi mình đã bán cho người khác thì họ muốn chế biến, sử dụng như thế nào là tùy họ.
“Mình chỉ trách nhiệm với con tôm của mình từ khi nuôi, đến ngày thu hoạch và đem bán thôi. Còn khi mình đã bán cho lái, thì tôm đó đã không còn là của mình nữa. Lúc đó, họ muốn làm gì con tôm là quyền của họ, mình không còn trách nhiệm nữa. Anh thấy đó, ra hàng quán, nhiều khi món tôm nướng là món khoái khẩu của nhiều thực khách, thậm chí, người nuôi cũng có sử dụng con tôm mình nuôi nhưng chẳng sao cả. Còn ở nhà mà nướng như vậy thì không được, tối kỵ”, anh Cảnh giải thích.
Không nướng tôm vì sợ thuỷ hoả xung khắc
Theo tìm hiểu của PV, nhiều trường hợp nuôi tôm vốn đã giàu có, nay lại càng giàu hơn và trở thành tỉ phú nuôi tôm. Khi được hỏi bí quyết về cách nuôi tôm của mình, thì họ chỉ cười hiền và nói rằng ngoài những yếu tố kỹ thuật cơ bản trong quá trình nuôi tôm thì bí quyết cốt lõi của người nuôi là tuyệt đối không được nướng tôm. Quá trình tìm hiểu của chúng tôi, tất cả những người giàu có nhờ nuôi tôm thì chẳng có trường hợp nào nướng tôm nuôi của mình.
Điển hình là trường hợp của ông Trần Quốc Bình, người nuôi tôm ngụ xã Phú Tân, H.Phú Tân, hiện ông có một cơ ngơi rất khang trang, ruộng đất rất nhiều vì công việc làm ăn thuận lợi, việc nuôi tôm liên tiếp phất lên, trúng mùa liên tiếp. Ông Bình cho rằng: “Tôi nuôi tôm từ nhiều năm nay rồi, nghề này được xem là nghề cha truyền con nối rồi. Nhưng từ xưa đến giờ, gia đình tôi chưa bao giờ nướng tôm nuôi để ăn, khi còn nhỏ, thấy ba mẹ, bắt tôm nhiều quá, nhà sẵn có bếp lửa, định bắt vài con đem nướng, nhưng được cha tôi phát hiện, chặn lại kịp thời. Cha nói, tôi muốn ăn như thế nào cũng được hết, trừ nướng”.
Ông Bình cho hay, khi đó, cha ông giải thích rất cặn kẽ, thấu đáo. Chính vì vậy, thấm thía được lời dạy đó, ông Bình luôn khắc ghi trong lòng và nhắc nhở con cháu trong gia đình tuyệt đối không bao giờ chế biến món tôm nướng từ vuông nhà nuôi. “Khi nào gia đình muốn ăn, thì mua lại của thương lái hoặc ra chợ mua chứ không lấy tôm nhà chế biến món nướng. Gia đình kiêng kỵ lắm, còn cháu trong nhà luôn tuân thủ quy tắc này”, ông Bình chắc nịch.
Nói về việc nướng tôm, ông Nguyễn Thanh Hải, người nuôi tôm công nghiệp, ngụ xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, cho hay: “Dù mình không chứng minh được việc nướng tôm có tác hại gì với tôm nuôi của mình hay không, nhưng tôi đã thấy và chứng kiến những vụ mùa thất bát đến lạ thường và rất trùng hợp. Bởi thế, gia đình tôi rất dị đoan vụ này và chẳng bao giờ nướng tôm nuôi cả. Làm giàu thì khó, nhưng phá sản dễ lắm”, ông Hải nói.
Ao nuôi tôm siêu thâm canh của một hộ dân ở H.Năm Căn - Ảnh: Anh Duy
Ông Hải còn dẫn giải, ngày trước, ở H.Đầm Dơi phát triển rất mạnh nghề nuôi tôm công nghiệp, người thân ông Hải cũng bị cuốn theo nghề nuôi này và nhanh chóng làm giàu chỉ sau vài ba vụ nuôi thành công. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì người thân ông Hải nhanh chóng nhận lấy thất bại, mất mùa liên tiếp, nợ chồng nợ chỉ vì họa “nướng tôm”.
“Lần đó, tôm nuôi của gia đình anh trai tôi đang thu hoạch, trong quá trình bán tôm, có mấy đứa cháu nó lén lấy tôm đem đi nướng nhậu, gia đình chẳng ai hay biết. Đến khi phát hiện thì mội việc đã rồi, la mắng cũng không lay chuyển được. Thế là, sau lần đó, những vụ mùa tiếp theo, anh tôi liên tiếp thua lỗ, tôm nuôi được vài tháng thì dịch bệnh, thất bại. Sau nhiều lần nuôi không hiệu quả, anh tôi treo đầm và hiện đã bán cả đất rồi”, ông Hải hồi tưởng.
Hiện gia đình ông Hải thuộc diện có của ăn của để ở địa phương. Khi nhắc đến ông Hải, thì người dân xứ này ai nấy đều biết và gán ghép cho ông biệt danh “tỉ phú tôm công nghiệp” bởi ông Hải là một trong những tay nuôi tôm có tiếng ở địa phương, hầu như vụ mùa nào ông cũng thành công vì cách thức thả nuôi hợp lý.
“Làm nghề gì cũng vậy, phải có kỹ thuật cơ bản thì mới thành công. Với tôi, ngoài tin việc nướng tôm ảnh hưởng đến vụ mùa là có thật, thì việc thả nuôi, cải tạo ao đầm phải hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Đối với tôi, người ta nuôi xuyên suốt năm này qua tháng nọ, nhưng với tôi, mỗi năm tôi chỉ thả nuôi 2 vụ thôi. Thời gian còn lại, tôi cho đất nghỉ ngơi bằng việc cải tạo, tẩy rửa chất độc hại đã ngấm sâu trong ao đầm”, ông Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Theo nhiều nông dân, họ giải thích rằng, thủy sản sống dưới nước là thủy, nếu đem nướng sẽ gặp hỏa. Như vậy, giữa nước và lửa chưa bao giờ hòa thuận với nhau. Nếu gặp nhau, đó chẳng phải là điềm lành. Vì vậy, việc nướng tôm nuôi sẽ là điềm gỡ, xui xẻo, là nguyên nhân làm cho vụ mùa thất bát, dịch bệnh trong vuông nuôi xảy ra, khiến cho việc chăn nuôi của người dân không mang lại hiệu quả.
Dân khoa học lên tiếng
Kỹ sư Phạm Văn Phấn, chuyên viên kỹ thuật 1 công ty chuyên về thuốc, thức ăn thủy sản ở Cà Mau, đánh giá: “Tôi đi và chứng kiến nhiều rồi, việc dị đoan khi nướng tôm trong ao nuôi của người dân là có thật, điều đó như là kinh nghiệm sống của nông dân rồi.
Về cá nhân tôi, thì tôi không tin việc đó, trúng mùa, hay thất mùa là do kỹ thuật nuôi và chất lượng nguồn nước trong ao nuôi thôi. Nếu nguồn nước tốt, người nuôi nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi thì chắc chắn vụ mùa đó sẽ thành công. Việc nướng tôm sẽ không ảnh hưởng gì đến vụ mùa, do người dân quá mê tín thôi”.
Anh Duy