Câu chuyện kỳ bí khó lý giải về những hòn đá linh thiêng ở miếu Đá Nổi, An Giang
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 12:02, 10/07/2019
Miếu Đá Nổi nằm giữa vùng đồng ruộng rộng lớn thuộc ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang, thoáng nhìn có vẻ hoang vu, chơ vơ đá tảng. Nhưng đây chính là địa điểm linh thiêng đối với bà con trong vùng. Đặc biệt là những tay phu vàng, khi nghe đến địa danh miếu Đá Nổi đều khiếp sợ.
“Thạch đao” và những chuyện kỳ quái
Dẫn chúng tôi đến địa điểm nổi tiếng linh thiêng này, cô Kim Siêng (nguyên giáo viên Trường THPT Phú Thuận), cho biết: “Theo tương truyền lại thì miếu Đá Nổi rất nổi tiếng với những câu chuyện bí ẩn, linh thiêng từ thập niên năm 70-80. Vào thời điểm trên, khu vực này chỉ là vùng đất hoang sơ, mặt đất nơi đây đầy các loại đá to nhỏ, màu sắc khác nhau nên chúng có nhiều hình dạng kỳ lạ, đôi khi như thể được chính con người cố công mài, đẽo gọt ra vậy”.
Đá nổi lên ở đây, có viên tròn, viên dẹt, có viên hình cái ghế mài nhẵn bóng, có viên như thể ai đó tạo ra để kê cột làm nhà, có viên như bàn tay người… Kỳ lạ hơn, chúng có thể biến đổi được màu sắc, lúc thì màu sậm, khi thì màu nhạt... Có nhiều ý kiến cho rằng đây là thông điệp hay mật mã gì đó, chưa thể lý giải. Và không ít lần, những phiến đá được người dân đào lên, nhặt về làm vật dụng trong nhà. Tuy nhiên tai ương bắt đầu rơi xuống gia đình những người đem đá về nhà.
Theo lời cô Siêng kể, gia đình ông Đời là người dân địa phương. Hôm đó, ông đi qua cánh đồng, thấy có 1 phiến đá hình cái ghế, mặt đá nhẵn mịn rất đẹp, nên ông đem về nhà làm ghế ngồi. Tuy nhiên, được ít hôm, ông Đời lâm bệnh nặng, thuốc thang chữa mãi không khỏi. Được người mách nước, ông soạn lễ vật, đem phiến đá trả lại miếu mới hết bệnh...
Còn ông Văng Công Trạc (48 tuổi, ngụ ấp Phú Tây, xã Phú Thuận) Trưởng Ban Quý tế miếu Đá Nổi cho biết: “Gia đình tôi nhiều đời đã gắn bó, quản lý ngôi miếu này. Miếu này có khoảng hàng trăm năm trước. Từ thời ông nội tôi, đã thấy miếu này được lập bên cánh đồng đá nổi. Ngày đó miếu chỉ đựng đơn sơ, chất liệu bằng tre lá xập xệ. Sau này được cất khang trang hơn với tường vững chắc. Gắn bó ở miếu nên gia đình tôi đều chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ”.
Theo ông, nhiều người thích thú với phiến đá có hành dạng ghế ngồi khi thấy trên cánh đồng, nên đem về nhà. Không bao lâu, người ta lại thấy người thân dìu đến miếu khấn vái trong tình trạng “thân tàn sức kiệt”, đồng thời trả đá lại chỗ đã lấy trước đây. Vừa cúng vái xong thì thấy người đó đi đứng bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Từ những câu chuyện ly kỳ trên, người dân địa phương truyền nhau: nghiêm cấm trẻ em, thanh niên trong vùng không mạo phạm, không được ngồi lên đá, không ai tự tiện dám lấy đá đem về nhà!
Ông Văng Công Trạc, Trưởng ban Quý tế miếu Đá Nổi, chỉ phiến đá có hình dáng giống lưỡi đao rất linh thiêng - Ảnh: Tô Văn
Theo ông Trạc, ở miếu còn có 1 phiến đá dạng hình cây đao được mọi người gọi là “Thạch đao”. Ai đến miếu là phải vái lạy... “Hồi còn nhỏ, ông nội tôi kể rằng, cây “Thạch đao” này nằm trên cánh đồng toàn đá nổi. Một gia đình ở P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, dắt trâu kéo lúa mướn gần đầu kênh. Sau khi vào đây chơi, thì họ phát hiện phiến đá giống cây đao nên họ tìm cách mang về nhà.
Họ dùng 2 con trâu và gọi thêm 4 người đàn ông lực lưỡng nhưng không lay chuyển phiến đá được. Nghe mách nước, họ lập bàn thờ cúng vái, sau đó chỉ cần 2 người là nhấc bổng phiến đá đem về nhà. Một thời gian sau, bỗng dưng gia đình họ lại đem phiến đá vào miếu để thờ mà không biết lý do... Thạch đao nhìn kỹ mặt trước thì thấy có khắc nhiều chữ cổ, giờ mờ nhạt, gần như không còn. “Tuy nhiên, nếu ai có duyên thì sẽ thấy được những chữ cổ đó”, ông Trạc chia sẻ thêm.
Phu vàng nghe danh miếu sợ đến phát khiếp
Vợ chồng ông Bảy vốn là đạo sĩ từng tu luyện ở núi Cấm, nhưng tương truyền được bề trên truyền mệnh, nên về cánh đồng này để lập miếu tu. Ban đầu, ông bà chỉ dựng chòi lá để lập miếu tu luyện. Một hôm vợ ông Bảy cuốc đất trồng rau, tới nhác cuốc thứ 5 thì chạm tới vật gì rất cứng. Vợ ông tưởng cuốc trúng đá, nhưng đào lên thì thấy 1 chiếc bình bát. Gỡ lớp đất đang dính, thì ra là 1 chiếc bình bát bằng vàng. Vợ ông la toáng lên, sau đó ông Bảy đem chiếc bình bát đó vào miếu, đặt lên bệ để thờ.
Phiến đá có hình dạng ghế ngồi trên cánh đồng được người dân đem thờ trong miếu - Ảnh: Tô Văn
Hay tin vợ chồng ông Bảy đào được vàng, những kẻ săn cổ vật theo chân người địa phương kéo về miếu ngày một đông, họ đào bới khắp một vùng, những kẻ săn vàng lật tung cả mặt đất... Cụ Chia (84 tuổi, ngụ ấp Phú Tây, xã Phú Thuận), 1 phu vàng thời thập niên 80 kể: “Cánh đồng này một thời không chỉ thu hút giới săn đá cảnh mà còn hấp dẫn cả những kẻ săn vàng”.
Theo cụ Chia, thời điểm 1980, nhiều người ùn ùn kéo về đây đào vàng, trong đó có gia đình cụ. Nhóm của cụ có người đào được vàng lá, vàng tép, vàng hình quả trứng, có người thì đào được các món trang sức bằng vàng. “Tôi cùng vợ và một nhóm khoảng 7 người, đào cả ngày lẫn đêm, thấy không có gì nên di chuyển đào qua khu vực gần chòi miếu. Lúc đó, trời mưa sấm chớp vang hồi.
Bỏ mặc mưa gió, mọi người hăng hái đào, khi nhát cuốc thứ 10 của vợ tôi xuống tận 2m ruộng thì thấy vài tượng vàng và nhiều đồ gốm. Chúng tôi hí hửng, lau sạch liền đem về nhà định sáng ra chợ bán. Nhưng chưa kịp bán, ngay rạng sáng, 2 thằng con trai tôi lăn ra ngã bệnh một cách kỳ lạ, không nói chuyện được, tay chân co quắp lại”, cụ kể.
Vợ chồng cụ đưa con đi bệnh viện, nhưng các bác sĩ khám không ra bệnh. 2 người con lúc đó sắp chết, vợ cụ rất buồn nên đi lang thang vào khu vực miếu để xem người ta đào vàng, hy vọng được mách bảo điều gì. Trưa hôm đó, vợ cụ gặp 1 cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi trên bờ đê nên bắt chuyện. Nghe vợ cụ tâm sự, ông lão khuyên nên đem trả lại các vật đào được rồi vào miếu cúng vái thì các con sẽ hết bệnh.
“Vợ tôi liền chạy về kể lại, lập tức 2 vợ chồng đem số tượng vàng đào được chỗ khu vực gần miếu chôn lại, rồi cúng vái. Chưa tàn hết 1 cây nhang thì 2 thằng con chạy ra tìm vợ chồng tôi nói đã hết bệnh. Vợ chồng tôi đứng trước miếu từ nay thề không dám đào vàng hay lấy bất cứ thứ gì trên cánh đồng linh thiêng này. Riêng tôi được biết, số phận một số người tham gia cuộc đào vàng năm xưa, nghe nói đến thời điểm này con cháu họ đều bệnh tật, nghèo túng”, cụ Chia kể trong ánh mắt còn sợ hãi.
Cũng theo lời cụ Chia, khoảng năm 1985, nhà nước mời các nhà khảo cổ đến khai quật, họ cũng đào được các đồ bằng vàng, văn tự cổ, xương thú, ngà voi... Nghe họ nói, vùng đất này ngày trước là thành quách của vua chúa, có thể một số hiện vật bị ếm nên nhiều phu vàng đến đào không xin phép bị quở trách gây bệnh cho người thân hay nghèo túng. Bây giờ một số hiện vật được khai quật vẫn đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh An Giang.
Chị Võ Thị Mỹ Châu, Trưởng ban Văn hóa xã Phú Thuận, bộc bạch: “Miếu Đá Nổi là 1 nét văn hóa đẹp của địa phương. Do vậy phòng Văn hóa H.Thoại Sơn từng có ý định tái hiện cánh đồng này. Tuy nhiên do người dân tự lấp đá làm ruộng, nuôi cá... nên ý định khó thực hiện được. Hiện tại trong miếu Đá Nổi vẫn giữ được những hiện vật là cổ vật khai quật được. Các nhà khảo cổ cũng cho biết khu vực này có giá trị nghiên cứu văn hóa Óc Eo”.
Khu vực đá nổi hiện phần lớn không còn nữa do người dân tự lấp đá làm ruộng, nuôi cá - Ảnh: Tô Văn
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những khu vực đá nổi phần lớn đã không còn nữa vì người dân gom đá lại, xếp vào khuôn viên miếu. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của vùng đất này. Những phiến đá to nhỏ, hình thù kỳ dị, quen thuộc đến bất ngờ vẫn được người dân nơi đây trân trọng, cung kính xếp vào trong miếu, để nhang khói, xin phù hộ mùa màng bội thu...
Đá Nổi là tên 1 di tích khảo cổ học, tên 1 cánh đồng lớn thuộc ấp Phú Tây, xã Phú Thuận (Thoại Sơn). Do lớp đất phủ trên mặt kiến trúc đá lâu ngày bị xoáy mòn, lộ ra những khối đá lớn và khi mùa nước lên đá lô nhô xuất hiện nên có tên Đá Nổi. Di tích Đá Nổi thuộc nền văn hóa Óc Eo, dài khoảng 1.500m theo hướng đông - tây, rộng 800m theo hướng bắc - nam.
Những nơi có đá thường tập trung ở 2 bờ con lung Xẻo Mây uốn khúc, chạy từ xã Vĩnh Trinh (H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) đến tận xã Tân Hội (H.Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Trước đây, con lung này luôn ngập nước, sau do quá trình đào kênh, con lung bị chia cắt và ngày càng ít nước.
Phía bắc con lung là miếu Bà Chúa Xứ, vốn 70 năm trước là 1 cái am nhỏ bằng lá do người dân cất lên. Thời điểm này, có 1 sư bà bám trụ tu hành và viên tịch ở đây. Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, miếu Đá Nổi khá đồ sộ, thu hút du khách mọi miền, nhất là dịp giỗ Bà (mùng 10.3 âm lịch) và giỗ Ông (ngày 20.6 âm lịch) hàng năm.
Tô Văn