Robot có thể giống 'Kẻ hủy diệt' khi được bọc làn da giống con người, tự phục hồi
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:00, 02/06/2023
Robot có thể sớm được khoác lên mình lớp da tổng hợp giống con người, tương tự như sát thủ người máy trong loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt), sau khi các nhà nghiên cứu Đại học Stanford (Mỹ) phát triển một loại vật liệu siêu thực có khả năng tự phục hồi.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển các vật liệu da thuyết phục cho robot trong nhiều năm. Giáo sư Zhenan Bao của Đại học Stanford đã giới thiệu loại da điện tử tổng hợp tự phục hồi nhiều lớp đầu tiên vào năm 2012.
Hơn một thập kỷ sau, Zhenan Bao và các đồng nghiệp đã đưa nghiên cứu của họ tiến xa hơn nữa trong tương lai: Các lớp da tổng hợp giờ đây có thể tự nhận biết và căn chỉnh với nhau khi bị thương, đồng thời cho phép da tiếp tục hoạt động trong khi chữa lành.
"Chúng tôi đã đạt được điều mà tin là minh chứng đầu tiên về cảm biến màng mỏng, nhiều lớp tự động căn chỉnh lại trong quá trình chữa lành vết thương. Đây là một bước quan trọng để mô phỏng da người, vốn có nhiều lớp, tất cả lớp này sẽ tập hợp lại một cách chính xác trong quá trình chữa lành", Christopher B. Cooper, nghiên cứu sinh Đại học Stanford và đồng tác giả của nghiên cứu, nói với trang SWNS.
Theo SWNS, bọc cho robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) làn da giống như thật có thể là xu hướng của tương lai, khiến con người cảm thấy thoải mái hơn với công nghệ như vậy.
Vật liệu này tương tự như nhân vật cyborg của nam diễn viên Arnold Schwarzenegger trong Terminator. Nhân vật này được trang bị khung xương robot bên trong, bao phủ bởi mô tế bào sống.
Tương tự da người, vật liệu do các nhà nghiên cứu Đại học Stanford sản xuất có thể cảm nhận được những thay đổi về nhiệt, cơ học hoặc điện xung quanh nó. Nguyên mẫu hiện tại trong nghiên cứu được thiết kế để cảm nhận áp lực.
Đồng tác giả Sam Root cho biết: "Nó mềm và có thể co giãn. Thế nhưng, nếu bạn đâm thủng, cắt hoặc chặt nó thì mỗi lớp sẽ tự chữa lành một cách có chọn lọc để khôi phục chức năng tổng thể, giống như da thật. Mỗi lớp có thể cảm nhận được áp suất, nhiệt độ và sự căng thẳng”.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển vật liệu silicon và polypropylene glycol có thể co giãn như da người mà không bị rách, trong khi tính chất từ trường cho phép da tự định hình lại.
Propylene Glycol (viết tắt của PG) là một hợp chất hữu cơ có độ nhớt, không màu, không mùi, tan hoàn toàn trong nước và có công thức hóa học CH3CH(OH)CH2OH.
Propylene Glycol được sử dụng làm chất giữ ẩm, chất bảo quản, dung môi hoặc chất làm mềm trong nhiều loại công thức, chẳng hạn như kem, sữa dưỡng da, dầu gội đầu và nhiều loại sản phẩm chăm sóc cá nhân khác.
Khi vật liệu được làm ấm, nó sẽ mềm ra trước khi trở lại trạng thái bình thường. Nếu vật liệu bị hư hỏng, nó có thể tự phục hồi chỉ trong 24 giờ khi được làm ấm đến 158°F (70 độ C), trong khi quá trình phục hồi tương tự mất khoảng một tuần ở nhiệt độ phòng.
Đồng tác giả Renee Zhao nói: “Kết hợp với điều hướng bằng từ trường và hệ thống sưởi cảm ứng, chúng tôi có thể chế tạo các robot mềm có thể thay đổi hình dạng và cảm nhận sự biến dạng của chúng theo yêu cầu”.
Các nhà khoa học cho biết đang thực hiện nghiên cứu tiếp theo để làm cho các lớp da mỏng nhất có thể sở hữu các chức năng khác nhau, chẳng hạn như một lớp cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ và một lớp khác cảm nhận được áp suất.
Nghiên cứu này diễn ra trong bối cảnh trí AI đang trở nên phổ biến, với hàng trăm triệu người sử dụng chatbot ChatGPT của OpenAI và tạo ra những hình ảnh sống động như thật nhờ AI.
Trong cuộc chạy đua công nghệ để xây dựng các hệ thống AI mạnh hơn nữa, robot hình người cũng đang được chú ý.
Một công ty có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) đang phát triển robot đa năng sẽ được sử dụng để hỗ trợ các công việc gia đình. Trong khi công ty khởi nghiệp về robot do OpenAI hậu thuẫn đang nỗ lực thương mại hóa robot hình người cho nơi làm việc.
Đầu tháng 3, Elon Musk dự đoán trong tương lai, số lượng robot có hình dạng giống con người được trang bị AI có thể sẽ nhiều hơn con người.
"Bạn có thể thấy các gia đình sử dụng robot và chắc chắn dùng robot hình người trong ngành công nghiệp", ông nói.
Những suy nghĩ về AI được Elon Musk đưa ra trong buổi thuyết trình Investor Day (Ngày đầu tư) của Tesla tại Gigafactory (nhà máy lớn) của hãng ô tô điện này tại thành phố Austin, bang Texas.
Trong suốt buổi thuyết trình, Elon Musk đã trình chiếu video cập nhật về mẫu robot hình người của Tesla mang tên Optimus, mà ông cho biết sẽ sử dụng trong các nhà máy Tesla và bán cho công chúng.
"Điều mà tôi nghĩ Tesla mang lại và những người khác không có đó là chúng tôi có real-world AI. Bạn có thể nghĩ về chiếc ô tô điện như là robot trên bánh xe và đây là robot trên chân... Tôi không nghĩ có ai gần đến Tesla trong việc giải quyết real-world AI", Elon Musk nói.
Real-world AI là thuật ngữ chỉ trí tuệ nhân tạo được áp dụng và sử dụng trong các ứng dụng thực tế, thay vì chỉ ở mức độ lý thuyết hoặc phát triển thử nghiệm. Real-world AI có thể áp dụng trong các lĩnh vực như ô tô tự hành, máy móc tự động, dịch vụ khách hàng và các ứng dụng khác trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, Tesla không chia sẻ dòng thời gian để chính thức ra mắt robot Optimus.
Kế hoạch cho Optimus lần đầu tiên được tiết lộ tại sự kiện AI Day của Tesla vào năm 2021, dù trong lần ra mắt ban đầu, robot này là một chàng trai nhảy múa trong bộ đồ bơi.
Vào tháng 9.2022, Tesla giới thiệu một mẫu robot được đội ngũ kỹ sư mang ra vì "chưa thể đi bộ được", theo lời Elon Musk.
Bản cập nhật hôm 1.3 cho thấy một phiên bản robot AI tiên tiến hơn, có thể đi bộ và hoàn thành các nhiệm vụ. Song lần này, các bản cập nhật hiển thị trong một video được sản xuất trước thay vì trình diễn trực tiếp cho đám đông xem.
"Rõ ràng nó không thể làm parkour, nhưng có thể đi bộ xung quanh", Elon Musk nói về robot Optimus phiên bản mới.