Cà Mau: Đầu tư công nghệ để nâng tầm sản phẩm cá khô bổi
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:55, 02/06/2023
Theo đó, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây hiện có hơn 10 hộ dân là người dân tộc Khmer làm nghề cá khô bổi truyền thống đã mạnh dạn đầu tư lò sấy điện để sản xuất cá khô. Cách làm này vừa rút ngắn thời gian phơi cá theo cách truyền thống là dựa vào ánh nắng mặt trời, vừa nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm.
Chi phí đầu tư cho mỗi lò sấy điện khoảng 100 triệu đồng. Thời gian xây dựng, lắp đặt thiết bị cho lò sấy khoảng 1 tháng. Xét về mặt lợi ích, lò sấy điện sẽ sử dụng được lâu dài so với lò sấy than đá, cá sấy sẽ khô nhanh và đều hơn và không cần tốn công lao động để phơi, trở cá. Chất lượng cá khô được đảm bảo, nhất là thời gian bảo quản được lâu hơn. Trung bình mỗi mẻ cá được sấy khô từ 14 – 16 giờ, sản lượng đạt khoảng 800kg cá khô thành phẩm.
Ông Danh Sách, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Do thấy người thân lắp đặt lò sấy điện mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi mạnh dạn lên TP.HCM mua máy móc về và áp dụng. Việc xây dựng lò sấy ban đầu có phần tốn kém nhiều chi phí, nhưng xét về độ bền và tính khả thi về lâu dài thì lại tiết kiệm được nhiều khoản khác nên tôi quyết định đầu tư để áp dụng sản xuất cá khô, bước đầu tôi đánh giá là rất tiện lợi và hiệu quả”.
Ông Danh Sá Bách, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời phân tích: “Tôi thấy lò sấy điện an toàn cho sức khỏe của người bán lẫn người mua, vì lò sấy than sẽ sản sinh ra bụi than, về lâu về dài cũng ảnh hưởng sức khỏe cho người sản xuất lẫn người sử dụng sản phẩm. Làm kinh tế kiếm lợi nhuận, nhưng phải có tâm, đạo đức nghề nghiệp, sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Việc sử dụng lò sấy điện sẽ thoải mái hơn so với sử dụng lò sấy bằng than đá như trước đây. Khi cá khô thì lò tự động ngắt điện”.
Để bắt kịp xu hướng của thị trường và đáp ứng kịp các đơn hàng trong và ngoài tỉnh, các hộ kinh doanh cá khô bổi tại xã Khánh Bình Tây luôn thay đổi phương thức sản xuất tiên tiến. Từ đó, nghề sản xuất cá khô bổi tại địa phương ngày càng phát triển và tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer. Hiện chính quyền địa phương đang ấp ủ kế hoạch đưa sản phẩm cá khô bổi của đồng bào dân tộc Khmer trở thành sản phẩm OCOP.
Không chỉ đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả, năng suất và giá trị sản phẩm của quê hương, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã Khánh Bình Tây còn hướng đến việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống, đưa đặc sản cá khô bổi địa phương đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Một lãnh đạo UBND xã Khánh Bình Tây chia sẻ: “Hiện xã đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP của xã đối với mặt hàng cá bổi. Đến thời điểm này, xã Khánh Bình Tây có 4 mặt hàng OCOP, sản phẩm cá bổi thì tiểu thương kinh doanh nhiều nhưng chưa có hộ nào đứng ra xây dựng thương hiệu”.
Theo vị lãnh đạo xã Khánh Bình Tây Bắc, thời gian qua, chúng tôi cũng liên hệ với các ngành chức năng để tiến tới thành lập làng nghề nhằm bảo tồn nghề sản xuất khô cá bổi ở xã Khánh Bình Tây, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc Khmer hoạt động sản xuất rất tốt. Địa phương sẽ hỗ trợ phát triển thị trường, tranh thủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nhằm giúp bà con phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.
Hiện tại, xã Khánh Bình Tây đang tiến hành vận động, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng cá khô tham gia sản phẩm OCOP. Hy vọng rằng trong thời gian không xa, sản phẩm cá khô bổi của xã Khánh Bình Tây sẽ được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau.