Lệnh cấm Micron chỉ ra điểm hạn chế của Trung Quốc trong cách trả đũa Mỹ

Thế giới số - Ngày đăng : 23:35, 05/06/2023

Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã kết thúc đánh giá an ninh với Micron Technology vào cuối tháng 5.

CAC phán quyết nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ không vượt qua được đánh giá an ninh mạng của họ và không được bán sản phẩm cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này.

Cuộc đánh giá an ninh mạng diễn ra khá nhanh chóng. Hãy so sánh nó với cuộc đánh giá về an ninh mạng với Didi Chuxing, trong ví dụ đầu tiên về việc Trung Quốc sử dụng quyền lực này. Chính phủ đã khiến Didi Chuxing mắc kẹt trong suốt hơn 1 năm sau khi hãng gọi xe hàng đầu Trung Quốc này niêm yết công khai ở Mỹ.

Đây là động thái lớn của Bắc Kinh đáp trả lại những hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ với Trung Quốc, gồm cả việc Mỹ hợp tác với các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan. Tuy nhiên, việc này tiết lộ những lựa chọn hạn chế mà Bắc Kinh có sẵn.

Chip của Micron Technology tương đối dễ thay thế. Dù Mỹ đã thúc giục Hàn Quốc không để Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng chip nhớ hàng đầu thế giới) lấp đầy khoảng trống trên thị trường Trung Quốc khi Micron Technology vắng mặt, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không hưởng lợi từ điều này.

Trung Quốc cũng thấy có cơ hội để thúc đẩy các công ty trong nước, đặc biệt là YMTC (nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước), bất chấp việc công ty này bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ tháng 12.2022.

Với những dấu hiệu cho thấy thị trường chip nhớ có thể sắp chạm đáy, YMTC đã có động thái tăng giá bộ nhớ 3D NAND flash sớm hơn các đối thủ.

Đã có một số tác động ngay lập tức của lệnh cấm Micron Technology. Các nhà sản xuất máy chủ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm cả Inspur và Lenovo, đã yêu cầu các nhà cung cấp ngừng vận chuyển các linh kiện có chip của Micron Technology.

Tin tức về lệnh cấm cũng giúp cổ phiếu các công ty sản xuất chip trong nước tăng vọt trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Song để tránh thị trường quá phấn khích, Trung Quốc đã nhanh chóng làm giảm kỳ vọng về sự leo thang căng thẳng với Mỹ tiếp theo. Thời báo Hoàn cầu mô tả động thái đó là một trường hợp cá nhân và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết nước này vẫn chào đón đầu tư kinh doanh từ Mỹ.

Dấu hiệu cho thấy điểm hạn chế của Trung Quốc trong các lựa chọn trả đũa Mỹ là quyết định tránh nhắm mục tiêu vào chip logic của Intel, Qualcomm và Nvidia.

Khả năng sản xuất trong nước các chip logic tiên tiến vẫn còn kém xa các công ty Mỹ và những chip này cần thiết để cung cấp năng lượng cho máy chủ, smartphone cùng các ứng dụng AI. Tham vọng AI của Trung Quốc đã bị cản trở bởi những hạn chế với một số chip Nvidia.

Bắc Kinh cũng thất vọng trước cách tiếp cận đa phương từ Mỹ nhằm chống lại tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Ngoài Hàn Quốc, Mỹ đã làm việc với Nhật Bản và Hà Lan để đảm bảo các hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip của họ đạt hiệu quả cao nhất.

Tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án quyết định của Nhật Bản cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với 23 loại công nghệ sản xuất chip, ảnh hưởng đến khoảng 10 công ty. Bộ này cho biết động thái đó sẽ "gây thiệt hại nghiêm trọng cho hợp tác kinh tế và thương mại" của hai nước.

Các chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ hạn chế hơn nữa khả năng mở rộng năng lực sản xuất chip của Trung Quốc, đặc biệt là ở cấp độ 20 nanomet và cao cấp hơn.

Trong khi đó, Nhật Bản có thể sẽ giúp Micron Technology mở rộng khoản hỗ trợ tài chính lên đến 1,5 tỉ USD để xây dựng một nhà máy mới tại nước này. Micron Technology cũng đang mở rộng hoạt động tại Mỹ, nơi công ty đang xây dựng một nhà máy tại bang New York.

neu-micron-bi-trung-phat-cac-hang-trung-quoc-co-hoi-lap-day-khoang-trong.jpg
Dấu hiệu cho thấy điểm hạn chế của Trung Quốc trong các lựa chọn trả đũa Mỹ là tránh nhắm mục tiêu vào các chip logic của Intel, Qualcomm và Nvidia

Trong nỗ lực thể hiện vẫn có ảnh hưởng đến các nước láng giềng, Trung Quốc vào tháng trước cho biết đã đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc ở cuộc họp tại khuôn khổ diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ) để thúc đẩy hợp tác bán dẫn.

Hàn Quốc không đề cập đến "sự hợp tác" hay chip, chỉ nói rằng hai nước đã thảo luận về việc hợp tác để ổn định các mặt hàng cùng linh kiện quan trọng.

Với lệnh cấm Micron Technology, Trung Quốc có thể lãnh thêm hậu quả là bị Mỹ trả đũa. 

Reuters đưa tin Mike Gallagher (Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện) thúc giục Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo đưa ra các biện pháp kiềm chế thương mại với CXMT sau các hành động của Trung Quốc chống lại Micron Technology.

Mike Gallagher nói: “Mỹ phải thể hiện rõ với Trung Quốc rằng chúng ta không dung thứ cho hành vi chèn ép kinh tế với doanh nghiệp hay đồng minh của Mỹ. Bộ Thương mại nên lập tức đưa CXMT vào danh sách thực thể chịu hạn chế và đảm bảo công nghệ Mỹ không lọt vào tay CXMT, YMTC hay bất cứ đơn vị Trung Quốc trong ngành bán dẫn nào khác”.

CXMT là công ty sản xuất chip DRAM hàng đầu Trung Quốc, có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm Micron Technology.

Theo Mike Gallagher, Bộ Thương mại Mỹ cũng phải không cấp giấy phép xuất khẩu cho đơn vị chip nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, được Trung Quốc tìm đến như nguồn cung thay thế sản phẩm Micron Technology. Ông đặc biệt khuyến cáo các công ty Hàn Quốc.

Samsung Electronics và SK Hynix, 2 nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, đều có nhà máy chip tại Trung Quốc. Hai công ty hiện được miễn trừ khỏi quy định hạn chế xuất khẩu mà Mỹ ban hành tháng 10.2022, nhưng quyền miễn trừ có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Giới phân tích nhận định chip CXMT lạc hậu đến 2 - 3 thế hệ so với chip Micron Technology, Samsung Electronics và SK Hynix.

Năm ngoái, Zhu Yiming, Giám đốc điều hành CXMT, đã cảnh báo về những tác hại từ tâm lý chống toàn cầu hóa. Giờ đây, có vẻ như nỗi sợ của ông đã thành hiện thực khi một trong những đối thủ nước ngoài lớn nhất với CXMT bị đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Sơn Vân