Vướng mắc tại dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành: Chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài khiếu kiện
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:45, 08/06/2023
Nhiều vướng mắc
Tại phiên chất vấn ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bà đề nghị Bộ trưởng GTVT thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chính của sự chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được.
Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn, và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ về tài chính.
Hiện các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại. Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025.
"Nguồn vốn cơ bản được tháo gỡ, các đơn vị đang phối hợp chuẩn bị chương trình thủ tục, điều chỉnh dự án để tiếp tục thi công", ông Thắng nói.
Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng Thắng nói "chỉ là một phần". Qua thị sát, ông Huệ thấy vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều. "Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm", ông Huệ lo ngại.
Về cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết dự án này sử dụng vốn OAD nhưng cơ chế phân bổ vốn chưa được thuận lợi. Dự án dừng từ năm 2019, chủ yếu vướng về nguồn vốn.
Theo ông Khái, muốn triển khai dự án này phải có vốn nhưng ngân sách nhà nước không được bố trí mà phải dùng nguồn vốn hợp pháp khác, trong khi đàm phán ODA đang gặp khó. Nếu dùng tiền thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thì có cơ chế riêng để đáp ứng trả nợ 5 dự án vay vốn của đơn vị này.
"Tôi nghĩ phải tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn, đàm phán với nhà đầu tư để khởi động lại dự án sớm nhất có thể. Chính phủ sẽ tích cực, nỗ lực để có vốn cho dự án này", ông Khái nói.
Giải pháp khắc phục tiêu cực trong cấp giấy phép lái xe
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng việc quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển xe giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Tráng đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công. Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng.
Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, ông Thắng cho hay bộ đã nhận ra được vấn đề. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ GTVT, các Sở GTVT trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe.
“Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở GTVT khắc phục triệt để vấn đề này”, ông Thắng nêu.
Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội liên quan đến những vụ việc sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định đây là vấn đề quan trọng và chúng ta đã rút ra được bài học quý giá.
Phó thủ tướng cho rằng những sai phạm đã diễn ra từ lâu, đối tượng vi phạm nhiều, rộng khắp ở nhiều tỉnh thành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Để giải quyết vấn đề này, theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, cần rà soát để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm đăng kiểm một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, phải chú trọng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình hoạt động, tăng cường công tác thanh tra… để đảm bảo được yêu cầu "đập chuột mà không làm vỡ bình".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GTVT vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có việc để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng GTVT, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực do Bộ GTVT phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công do bộ phụ trách.