Vụ án Cienco 1: Thẩm định viên không thực hiện đúng quy trình xác định giá trị doanh nghiệp
Sự kiện - Ngày đăng : 15:00, 08/06/2023
Ngày 8.6, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử nhóm cựu lãnh đạo Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng phòng Kiểm toán 3, thẩm định viên Công ty kiểm toán A&C, chi nhánh Hà Nội) cho rằng, thân chủ của mình không phải là chủ thể của tội danh mà cáo trạng truy tố; đồng thời đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tuấn không phạm tội.
Đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS đã khẳng định nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt, phía cơ quan công tố đã cân nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo khi đề nghị mức án.
VKS khẳng định việc đề nghị HĐXX xử phạt từ 24 - 30 tháng tù đối với bị cáo Tuấn là đã nhìn nhận thấu đáo và đặt bị cáo Tuấn trong tổng thể của vụ án, phân hóa rõ vị trí và vai trò, để cho Tuấn được hưởng tối đa các tình tiết giảm nhẹ của “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Theo đại diện VKS, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa có thể khẳng định Tuấn và các bị cáo khác biết rõ các khoản nợ phải thu do Cienco 1 cung cấp ban đầu là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sau đó họ lại chấp nhận số liệu đã chỉnh sửa do Cienco 1 cung cấp, cố ý không thực hiện đúng quy trình xác định giá trị doanh nghiệp, giúp sức cho các bị cáo ở Cienco 1 loại bỏ khoản nợ phải thu với số tiền gần 185 tỉ đồng ra khỏi giá trị doanh nghiệp trái quy định của pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước gần 240 tỉ đồng.
Trong vụ án này, đại diện VKS xác định vai trò của Nguyễn Anh Tuấn là đồng phạm với các bị cáo khác.
Song tại phần tranh luận, bị cáo Tuấn lại đồng ý với lời bào chữa của luật sư là đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội. Như vậy, theo phân tích từ phía VKS tại phiên tòa, Tuấn đã không thừa nhận hành vi phạm tội, không nhận thức được sai phạm của mình.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” đối với Tuấn, đồng thời cân nhắc mức hình phạt đối với bị cáo Tuấn cao hơn bị cáo Nguyễn Ngọc Tuyến (cựu Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C - chi nhánh Hà Nội); điều này nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng trong xét xử.
Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, 2 bị cáo Tuấn và Tuyến cùng bị VKS đề nghị HĐXX xử phạt từ 24 - 30 tháng tù.
Theo cáo trạng, Nguyễn Anh Tuấn là Thẩm định viên chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm kê, rà soát xác định giá đối với đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc; chịu trách nhiệm soát xét chất lượng, nội dung và ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp với tư cách là Thẩm định viên và trình giám đốc ký.
Việc kiểm tra hồ sơ, tài liệu, số liệu liên quan đến khoản nợ phải thu của Cienco 1 được giao cho nhóm Thẩm định tài chính do Nguyễn Ngọc Tuyến làm trưởng nhóm, là đầu mối liên hệ với Nguyễn Thị Bích Hạnh (Phó phòng Tài chính kế toán Cienco 1) để trao đổi, thống nhất, chốt số liệu xác định giá trị doanh nghiệp. Nếu có sự thay đổi số liệu liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp thì Tuyến trực tiếp trao đổi với Hạnh, sau đó báo cáo lại với Giám đốc, Trưởng phòng Kiểm toán 2 và Nguyễn Anh Tuấn.
Sau khi ký kết hợp đồng, Hạnh đã cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung hồ sơ xử lý tài chính nợ phải thu. Trên cơ sở tài liệu này, Tuyến xây dựng dự thảo Báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có thể hiện các khoản nợ phải thu là hơn 184 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau đó Hạnh đã hạch toán giảm khoản nợ phải thu với tổng giá trị hơn 184 tỉ đồng trên tài khoản trích lập dự phòng và tài khoản theo dõi nợ phải thu, phải trả và cung cấp số liệu này cho Tuyến.
Cáo trạng nêu rõ mặc dù biết số liệu công nợ phải thu do Hạnh cung cấp không đúng với số liệu thể hiện tại thư xác nhận nợ và biên bản đối chiếu công nợ với Cienco 1, dẫn đến việc số tiền hơn 184 tỉ đồng không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng Tuyến vẫn thống nhất với Hạnh mà không chờ kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của Cienco 1 do Công ty Kiểm toán và Tư vấn IFC thực hiện.
Theo quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ được phân công, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp.
Cụ thể, theo cáo trạng, bị cáo là người trực tiếp kiểm tra, soát xét các nội dung liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp và được Tuyến báo cáo thường xuyên. Hồ sơ, tài liệu do Cienco 1 cung cấp cho Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội, gồm Bản cân đối kế toán tại 2 thời điểm là ngày 31.12.2012 và ngày 30.6.2013 có thể hiện khoản tiền dự phòng các khoản phải thu khó đòi tại thời điểm ngày 31.12.2012 là hơn 306 tỉ đồng; nhưng đến ngày 30.6.2013 các khoản phải thu khó đòi là 0 đồng.
Tuy nhiên, VKS xác định bị cáo Tuấn vẫn đồng ý và thống nhất việc Cienco 1 điều chỉnh số liệu để bỏ khoản nợ hơn 184 tỉ đồng ra ngoài giá trị doanh nghiệp và ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp với tư cách Thẩm định viên.