Phân tích đường hướng chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với nội các mới
Quốc tế - Ngày đăng : 15:25, 08/06/2023
Ở lĩnh vực kinh tế, sự trở lại của chính trị gia Mehmet Simsek với tư cách Bộ trưởng Tài chính (chức vụ ông từng đảm nhiệm trong giai đoạn 2009 - 2015 trước khi chuyển sang vị trí Phó thủ tướng) - được giới kinh doanh trong lẫn ngoài nước háo hức mong đợi.
Vài năm qua, chính sách kinh tế phi truyền thống của Tổng thống Erdogan gây nên cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và khiến giá trị đồng lira lao dốc. Nỗ lực bảo vệ nội tệ làm dự trữ của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá trị nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7.6 giảm 7%, khi 1 USD đổi 22,98 lira. Đây là khó khăn lớn mà tân Bộ trưởng Simsek phải giải quyết.
Ông nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức: “Tính minh bạch, nhất quán, dễ dự đoán, tuân thủ chuẩn mực quốc tế sẽ là những nguyên tắc cơ bản để chúng ta đạt mục tiêu này (bảo vệ nội tệ) trong giai đoạn tới. Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác ngoài quay lại với chính sách hợp lý. Một nền kinh tế dựa trên quy tắc và dễ dự đoán sẽ là chìa khóa để đạt được sự thịnh vượng như mong muốn”.
Với thông điệp trên, tân Bộ trưởng Simsek có thể thuyết phục giới đầu tư nước ngoài cũng như thắp lên hy vọng ở trong nước nhằm giữ cho kinh tế quốc gia phát triển.
Nhưng “trận chiến” thực sự sẽ là việc thuyết phục Tổng thống Erdogan. Biên tập viên nhật báo Daily Sabah Mehmet Celik lưu ý đến một số bổ nhiệm khác cho thấy nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm kinh tế khác với tân Bộ trưởng Simsek: Phó tổng thống Cevdet Yilmaz - quan chức và nhà kinh tế giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Thương mại Omer Bolat xuất thân từ doanh nhân.
“Các bổ nhiệm mang tính chiến lược, đảm bảo thế cân bằng mới”, theo biên tập viên Celik.
Nhà ngoại giao “trong bóng tối”
Trên mặt trận ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ vài năm qua theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn được triển khai bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cùng lực lượng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng nội các mới sẽ duy trì chính sách này.
Tân Ngoại trưởng Hakan Fidan từng đứng đầu Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) từ năm 2010, tham gia mọi cuộc thảo luận chính sách đối ngoại quan trọng. Ông luôn hiện diện nhưng lại ít được biết đến - hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà ngoại giao “trong bóng tối” của nước này. Cùng cựu cố vấn an ninh quốc gia Ibrahim Kalin - hiện chuyển sang giữ chức Giám đốc tình báo, Fidan đóng vai trò trung tâm trong định hình và triển khai chính sách đối ngoại.
Chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Erdogan đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu các nước láng giềng, đồng minh lẫn đối tác, trong đó có Hy Lạp cùng nhiều quốc gia phương Tây.
Biên tập viên Celik cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hạ thấp cảnh giác với phương Tây. Nhưng họ không chấp nhận khi phương Tây nhận tất cả mà chẳng cho đi thứ gì. Họ sẽ duy trì chính sách đối ngoại hiện hành và không để bị sai khiến”.
Các mối quan hệ căng thẳng không dễ hàn gắn, nhưng trước đây Ngoại trưởng Fidan rất giỏi trong việc tìm cách để đạt kết quả đột phá khi đàm phán trong những mối quan hệ khó khăn. Ông góp phần hàn gắn quan hệ với nhiều quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, thúc đẩy nối lại quan hệ với Syria.
Giờ đây, mọi người trông chờ tân Ngoại trưởng cứu vãn mối quan hệ với Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay kiên quyết ngăn chặn Thụy Điển gia nhập NATO vì bất đồng xoay quanh lập trường với người Kurd.
Bộ trưởng Nội vụ mềm mỏng hơn
Tại Bộ Nội vụ, chính trị gia cứng rắn Suleyman Soylu được thay thế bởi cựu Thống đốc Istanbul Ali Yerlikaya. Trọng tâm sắp tới của tân Bộ trưởng là khắc phục thảm họa động đất đầu năm nay, giải quyết 3,5 triệu người tị nạn Syria ở nước này, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố nhắm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Theo biên tập viên Celik, cuộc chiến chống khủng bố - được giới chính trị Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ - sẽ vẫn như cũ nhưng giọng điệu của Bộ Nội vụ sẽ thay đổi. Tân Bộ trưởng Yerlikaya ăn nói nhẹ nhàng, điều hành Istanbul một cách kín tiếng nên khó bắt chước phong cách gay gắt từ người tiền nhiệm. Phong cách mềm mỏng hơn có thể giúp thu hẹp chia rẽ xã hội thời gian gần đây.