Mỹ thông qua dự luật tước vị thế 'quốc gia đang phát triển' của Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 10:40, 09/06/2023

Ngày 8.6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tước bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc.

Dự luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ thúc đẩy thay đổi tư cách “quốc gia đang phát triển” mà Trung Quốc được hưởng tại các tổ chức quốc tế. Những người ủng hộ dự luật chỉ ra tư cách này đem lại cho quốc gia châu Á nhiều đặc quyền.

Sự chấp thuận của Ủy ban Đối ngoại tạo điều kiện để dự luật được đưa ra xem xét trước toàn bộ Thượng viện Mỹ. Tháng 3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với tỷ lệ 415 phiếu thuận - 0 phiếu chống.

000_32ea882.jpg

Nỗ lực đưa Trung Quốc vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, thậm chí quốc gia phát triển không mới. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 kêu gọi không dành cho quốc gia châu Á tư cách “quốc gia đang phát triển” nữa.

Không có chuẩn đánh giá thống nhất để phân loại một quốc gia là “phát triển” hay “đang phát triển”. Tuy nhiên giới chuyên gia chỉ ra rằng nếu phân loại dựa trên GDP thì thật khó để xếp Trung Quốc vào loại thứ hai.

Chuyên gia kinh tế Jean-François Dufour (tổ chức phân tích thị trường Sinopole) nhấn mạnh không thể coi một cường quốc công nghiệp và nhà xuất khẩu ô tô lớn hàng đầu thế giới là “quốc gia đang phát triển”.

Học giả Xin Sun (Đại học King's College) chỉ ra trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, quốc gia đang phát triển chịu ít sức ép hơn. Cũng theo ông, nếu dựa trên chỉ số phát triển con người (tiêu chí của Ngân hàng Thế giới) và thu nhập bình quân đầu người (tiêu chí của Liên Hợp Quốc) thì Trung Quốc chưa thể xếp ngang hàng các quốc gia phát triển.

Chuyên gia Carlotta Rinaudo (Nhóm nghiên cứu An ninh quốc tế) lưu ý rằng sự thịnh vượng của Trung Quốc hầu như tập trung ở đô thị lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, trong khi điều kiện sống ở vùng nông thôn - nơi tập trung 64% dân số - vẫn còn rất nghèo nàn. Bà cho rằng sở dĩ Mỹ muốn tước tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc là vì họ lo ngại quốc gia châu Á lợi dụng đặc quyền - chẳng hạn tiếp cận được nhiều khoản vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế - tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.

Cẩm Bình