TP.HCM hiện chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển KH-CN

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:59, 09/06/2023

Chiều 9.6, Sở KH-CN TP.HCM tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc, nhằm tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khoa học công nghệ (KH-CN) có tầm vóc, thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội TP; thu hút khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo.

dung.jpeg
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Ảnh: H.K

Giám đốc Sở KH-CN TP Nguyễn Việt Dũng nhìn nhận, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này chưa đồng bộ, không thể tạo động lực cho phát triển KH-CN và ứng dụng kết quả vào sản xuất. TP hiện chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao…

TP cũng thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế. Chưa thiết kế được nhiều nhiệm vụ KH-CN tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng liên ngành, do đó các kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng của lãnh đạo TP, chưa tạo được sản phẩm KH-CN thực sự mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của TP.

Theo ông Dũng, cần tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan. Cần các giải pháp mạnh mẽ để thu hút cán bộ KH-CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của TP, tăng cường đầu tư cho KH-CN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, nơi đưa các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân không chỉ trên địa bàn TP mà còn cho cả nước, khu vực và thế giới.

Theo GS–TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM, cần có cơ chế vượt trội cho khoa học công nghệ và TP đang rất kỳ vọng vào các “cơ chế vượt trội” có trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

"Cơ chế vượt trội này phải đi đến các lĩnh vực, làm sao KH-CN sẽ đưa TP.HCM phát triển theo mô hình tăng trưởng mới. Tức là mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. TP.HCM phải trở thành cái hub, là trung tâm để có thể tạo ra các tác động ngoại vi tích cực với các tỉnh trong vùng", GS–TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

tuyet.jpeg
Quang cảnh Hội thảo

Một số ý kiến đề xuất, TP.HCM cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện hữu theo hướng tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số. Cùng với đó là từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp có vị trí gần trung tâm theo hướng khu công nghiệp sinh thái.

Đối với các khu công nghiệp hiện hữu trong vùng phải được bổ sung các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và có lộ trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, từng bước hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, thời gian tới, TP phấn đấu tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Đồng thời, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, để đạt được mục tiêu này, TP.HCM sẽ đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có ưu tiên như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo và IoT. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế.

Tú Viên