Bao giờ miền Bắc hết thiếu điện?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:51, 10/06/2023

"Bao giờ miền Bắc hết thiếu điện?" là câu hỏi được giới chuyên gia và các cơ quan quản lý ngành điện đi tìm trong tọa đàm "Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?" diễn ra vào chiều tối 9.6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng 7 hàng năm, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa.

thieu-dien.jpg

Tuy nhiên, do hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8, cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024.

"Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3 đến 4 năm qua đều đã xây dựng hết. Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện 8 mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, nguy cơ thiếu điện còn cao", ông Hà Đăng Sơn cho hay.

Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tương ứng gần 6.000MW. Nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm. Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu. Do đó, để giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Bắc, giải pháp truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra nhận được nhiều kỳ vọng.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung cho rằng tăng trưởng phụ tải điện miền Bắc mấy năm nay cao hơn phía Nam nhưng không có thêm nguồn điện nào. Nguyên nhân do hệ thống không phản ứng, không vận hành. "Cái chúng ta nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội đầu tư, kinh doanh, là cơ hội phát triển chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Vì vậy, cần phải thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, xử lý vấn đề, còn không vẫn tiếp tục trì trệ", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao và cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể, sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn.

Vậy bao giờ miền Bắc hết thiếu điện là câu hỏi không thể trả lời của các vị chuyên gia cũng như cơ quan quản lý ngành điện. Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN đang chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác. Về lưới truyền tải, EVN nắm 100%. Hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Đề cập khả năng truyền tải thêm điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Võ Quang Lâm cho rằng: "Hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành là lớn nhất Đông Nam Á. Liên quan lưới truyền tải Bắc - Nam, chúng ta có hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam. Trong 27 tỉnh miền Bắc, Hà Tĩnh hưởng lợi đường dây này nên tình hình cung ứng điện tốt hơn".

Ngoài ra, tổng sơ đồ điện 8 đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thực hiện từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết nên EVN giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ ngành thực hiện ngay dự án. Nếu dốc sức làm thì theo ông Lâm có thể sẽ có thêm 1.000-1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm A0 cho biết vẫn cần sự đồng hành của khách hàng trong việc duy trì hệ thống điện miền Bắc ổn định. Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì vẫn sẽ thiếu hụt thêm 1.920MW điện. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn, ảnh hưởng rất lớn không chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, EVN đang có đề xuất với Bộ Công Thương về việc mở rộng các nhà máy thủy điện sẵn có để bổ sung, đảm bảo một phần công suất thiếu hụt và đây sẽ là nguồn bổ sung rất ổn định.

Tập đoàn này cũng đã lập các kịch bản chi tiết cho từng địa phương, phối hợp với các địa phương trong việc rà soát các kịch bản này. UBND các tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo về cung ứng điện, xác định thứ tự ưu tiên, đảm bảo cho các doanh nghiệp và người dân được sử dụng điện một cách công bằng, minh bạch.

Tuyết Nhung