Lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:49, 10/06/2023

Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ lùi ngày điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ ngày 11 sang 12.6, do trùng lịch nghỉ cuối tuần.

Đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào thứ Hai, ngày 12.6 thay vì Chủ nhật 11.6 như thường lệ.

Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, 11.6 là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên công tác này sẽ được dời sang đầu tuần sau là ngày 12.6.

Sáng nay (10.6), giá dầu thô WTI ổn định ở mức 71,64 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ổn định ở mức 76,31 USD/thùng. Giá dầu nhìn chung ổn định và được thiết lập cho tuần giảm thứ hai do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu bất chấp việc cắt giảm sản lượng của A rập Xê út.

Một số nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 13-14.6.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1.6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 17.770 đồng/lít.

Mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động giảm hai tuần liên tiếp, nhưng giá tham chiếu tại thị trường Singapore lại tăng nhẹ, nên nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương kỳ tới (dự kiến vào ngày 12.6), giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ hoặc giữ nguyên.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 5 lần giảm, và 1 lần giữ nguyên.

Trong khi đó, đến hết quý 1/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 5.640 tỉ đồng, đây là mức cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỉ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỉ đồng)...

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỉ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng âm hàng chục tỉ đồng.

Tuyết Nhung