Lưới điện miền Bắc sắp có thêm 20 triệu kWh mỗi ngày, giảm thời gian cắt điện
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:00, 10/06/2023
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1) ngày 10.6 cho biết, tổ máy số 1 của nhà máy bị sự cố vào ngày 5.6, dự kiến trong ngày 13.6 sẽ hoàn thành công tác sửa chữa, kiểm tra thiết bị để vận hành, cung cấp thêm cho lưới điện miền Bắc thêm 7 triệu kWh/ngày, giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại khu vực miền Bắc.
Theo ông Võ Mạnh Hà - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa và sẽ triển khai công tác vệ sinh lò để tránh các hiện tượng đóng tro xỉ.
Ngày 11.6, công ty sẽ tiến hành kiểm tra và hàn đường ống lại sửa thành hàn các đường ống, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống ống sinh hơi để sẵn sàng cho ngày 13.6 tổ máy có thể vận hành trở lại. Hiện công ty đang tập trung toàn bộ nhân lực của nhà máy và các đơn vị dịch vụ phụ trợ bên ngoài để tiến hành công tác sửa chữa.
Ông Hà cũng nhấn mạnh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các tổ máy vận hành tối đa công suất nên rất dễ xảy ra các nguy cơ sự cố. Để đảm bảo sản xuất liên tục, an toàn cho thiết bị, công ty đã triển khai công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, liên tục.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Vinh - Phó trưởng Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cho biết, sau thời gian tạm ngừng vận hành để sửa chữa, sáng nay (10.6), tổ máy S2 đã được khởi động trở lại và lượng điện cung cấp cho miền Bắc sẽ đạt 13 triệu kWh/ngày.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát liên tục tình trạng làm việc của các thiết bị chính; kiểm tra, chạy định kỳ các thiết bị, hệ thống nguồn: ắc quy, máy phát Diesel, các bơm dự phòng... để đảm bảo các thiết bị dự phòng sẵn sàng làm việc. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý, khắc phục các sự cố, khiếm khuyết thiết bị và lên các phương án vận hành cho các trường hợp đặc biệt có thể xảy ra.
Như vậy, từ ngày 13.6, sau khi 2 tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn và Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện miền Bắc thêm 20 triệu kWh mỗi ngày.
Trong khi đó các hồ thủy điện cũng đã có những cải thiện. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến sáng 10.6, trên cả nước lưu lượng nước về hồ tăng so với ngày hôm qua nhưng vẫn thấp. Các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ vượt qua mực nước chết, nhưng vẫn ở mực nước thấp, xấp xỉ mực nước chết.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, một số hồ xấp xỉ mực nước chết như: Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến ngày 10.6 công suất nguồn điện miền Bắc đã có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua, một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước.
Trước tình trạng miền Bắc đang thiếu điện cục bộ, Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc và nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8; chủ động điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng, khắc phục tình trạng thiếu điện; rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động cho các dự án năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, các địa phương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.