Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế ĐBSCL

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:35, 10/06/2023

Ngày 10.6 tại Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế ĐBSCL”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết diễn đàn này góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL và kết nối khu vực với toàn bộ các tỉnh thành phía nam.

Đây là diễn đàn rất quan trọng nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL thông qua thúc đẩy những động lực tiềm năng, từ nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

z4420608445916_80faa8c994406e52fbe79abec3965f46.jpg
Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 mức tăng trưởng bình quân của ĐBSCL phải đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.

Để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Quy mô, chất lượng, sự phân bố hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, thông tin liên lạc, truyền tải và phân phối năng lượng… sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố các ngành sản xuất và các lĩnh vực kinh tế quan trọng trong xã hội.

z4420605851808_626c8a50327ad6f4f850e20fc4341887.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐBSCL sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế chung cả nước. Trong đó việc đầu tư và kết nối giao thông ĐBSCL với các tuyến cao tốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chính phủ và các bộ ngành cần tăng cường hỗ trợ TP.Cần Thơ đẩy mạnh xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL; trung tâm logistics; cảng hàng không quốc tế; cảng hàng hải quốc tế tại TP.Cần Thơ.

z4420606718593_82ebb2167d5990afa3659b725311011d.jpg
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu

Trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên, chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và đều phát huy những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong vùng.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng chưa bao giờ ĐBSCL được Chính phủ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp xây dựng hạ tầng ở ĐBSCL như lúc này. Các dự án được triển khai nhiều, khẩn trương. Việc làm này có tính chất tri ân ĐBSCL vì vùng này là vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp, thủy sản nhưng thời gian qua chúng ta phát triển hạ tầng chậm hơn các vùng khác.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng. Tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp. Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc. Hệ thống cơ tầng kỹ thuật ĐBSCL còn yếu và thiếu đồng bộ. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu… Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất gây ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.

z4420607310002_ee8d3433d3ea2ba1115e1844f6df562a.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu - Ảnh: Văn Kim Khanh

PGS-TS kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: "Vùng này là vùng trọng điểm lúa gạo, nông sản, thủy sản, thế nhưng người dân sao còn nghèo hơn các vùng khác? Nguồn nước ngọt ĐBSCL đang suy giảm. Nguồn cá trong vùng cũng suy giảm. Nước biển dâng, nguy cơ từ biến đổi khí hậu rất lớn... Các bộ ngành cần có những đề xuất để Chính phủ, Quốc hội có cơ chế chính sách đầu tư tốt hơn cho ĐBSCL".

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, không thể để vùng ĐBSCL phải giữ mãi chức năng an ninh lương lực. Đề nghị trong thời gian tới ĐBSCL là vùng du lịch sinh thái trên nền tảng nông nghiệp và đô thị phát triển.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn lực cho biết Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có đề xuất với Chính phủ về 16 dự án xây dựng hạ tầng giao thông ĐBSCL với tổng trị giá 2,5 tỉ USD. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại diễn đàn hôm nay sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển vùng ĐBSCL, cũng như cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách vùng hiện có trong thời gian tới.

Văn Kim Khanh