Thế giới kỳ lạ của ký sinh trùng: Mượn xác đoạt hồn chuyên nghiệp
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:50, 10/06/2023
Cuộc sống mưu sinh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngoài tự nhiên cũng vậy. Ví dụ, một chuỗi thức ăn bao gồm các mắt xích nối tiếp là các sinh vật ăn cắp khả năng xử lý năng lượng của sinh vật khác.
Chúng ta không thể xử lý ánh sáng mặt trời thành đường mà chúng ta cần để tạo năng lượng; chúng ta đợi thực vật làm điều đó và ăn chúng. Động vật ăn thịt không thể tiêu hóa thực vật đúng cách; chúng đợi những con vật khác ăn thực vật, rồi ăn thịt những con vật đó.
Nói cách khác, hầu hết chúng ta ăn bám các sinh vật khác theo một cách nào đó - nhưng ký sinh trùng đưa khái niệm này đi đến đỉnh cao. Tại sao phải tiếp tục cuộc sống vất vả khi bạn có thể ngồi một chỗ để các sinh vật khác làm điều đó cho bạn? Hoặc, thậm chí sai khiến chúng làm điều đó cho bạn.
Thế giới ký sinh trùng là nơi đầy rẫy bạo lực và mưu mô: ký sinh trùng không chỉ quá giang mà còn chiếm đoạt cơ thể của vật chủ theo một cách nào đó, khiến con vật bị ký sinh có những hành vi có lợi cho ký sinh trùng – dù điều đó thường gây bất lợi lớn, thậm chí khiến vật chủ tử vong.
Nhà ký sinh trùng học Alex Maier của Đại học Quốc gia Úc nhận định: “Trong tài liệu khoa học, tên gọi của thuyết này là Thao túng vật chủ thích ứng. Điều đó có nghĩa là ký sinh trùng thực sự tạo ra sự biến đổi trong vật chủ, để có thể làm tăng tối đa lây lan bệnh ký sinh trùng".
Bạn có thể đã nghe nói về điều này trước đây. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là Toxoplasma gondii (viết tắt là T. gondii), gây ra bệnh gọi là toxoplasmosis.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng động vật bị nhiễm T. gondii có biểu hiện thay đổi hành vi, chấp nhận nhiều rủi ro hơn và cư xử theo cách có thể khiến chúng dễ gặp phải mèo – vật chủ cuối cùng mà ký sinh trùng có thể mượn cơ thể để sinh sản phát tán.
Việc T. gondii có thực sự thao túng vật chủ hay không vẫn đang được nghiên cứu, nhưng T. gondii chỉ là một loại ký sinh trùng. Có rất nhiều ký sinh trùng ngoài kia điều chỉnh vật chủ của chúng theo những cách khác nhau… và điều thú vị là chúng ta thường không biết chúng thực sự làm điều đó như thế nào.
Ký sinh trùng sống một cuộc sống rất phức tạp và tuần hoàn, nhưng nó dường như cực kỳ hiệu quả. Trong khi một số ký sinh trùng bám vào một vật chủ trong suốt vòng đời của chúng, thì một số khác lại cần nhiều vật chủ để hoàn thành hành trình sinh học của chúng.
Ký sinh trùng sinh sản và đẻ trứng trong vật chủ cuối cùng. Những quả trứng đó được thải ra môi trường, thường là theo phân; trứng hoặc ấu trùng sau đó được vật chủ trung gian đầu tiên hấp thụ.
Ở đó, ký sinh trùng tiếp tục phát triển đến khi trưởng thành hoặc tìm đường đến vật chủ trung gian thứ hai để hoàn thành quá trình phát triển của nó.
Sau khi đã trưởng thành hoàn toàn và sẵn sàng sinh sản, ký sinh trùng cần quay trở lại vật chủ cuối cùng – thường là một loại động vật cụ thể được tạo hóa ghép cặp với nó, như T. gondii và mèo.
Cách rõ ràng nhất mà một ký sinh trùng có thể thao túng vật chủ là thay đổi cơ thể của khổ chủ theo một cách nào đó. Một vài trong số này rất kỳ lạ ngoạn mục.
Ribeiroia ondatrae (giun dẹp biến ếch) là một loài giun dẹp, giống như tên gọi của nó có khả năng làm biến đổi ếch. Cụ thể, nó dường như nhắm vào chân sau của ếch. Ếch sau khi bị nhiễm ký sinh trùng này mọc thêm các chi vô dụng – đôi khi rất nhiều.
Một loài giun dẹp khác, được gọi là Leucochloridium paradoxum xâm nhập vào mắt của ốc sên, nơi nó phồng lên và đập, tạo ra hình ảnh màu sắc chuyển động bắt mắt.
Trong cả hai trường hợp này, mục tiêu cuối cùng của ký sinh trùng không phải là ếch hay ốc sên. Cả R. ondatrae và L. paradoxum đều sống và phát triển trong cơ thể vật chủ trung gian, nhưng chúng chỉ có thể sinh sản trong cơ thể vật chủ cuối cùng là chim (hoặc cả động vật có vú đối với R. ondatrae).
Do vậy, mục đích cuối cùng của chúng là tăng khả năng ếch và ốc sên (hoặc chỉ cần cuống mắt của sên) sẽ bị vào bụng vật săn mồi, mang theo ký sinh trùng.
Trong trường hợp của ếch, ký sinh trùng làm giảm khả năng di chuyển và khả năng chạy trốn của chúng. Trong trường hợp của những con ốc sên, cặp mắt đầy màu sắc giống như một bảng hiệu đèn neon nói với các loài chim đến ăn. Đáng chú ý, cuống mắt của ốc sên tái sinh sau khi bị chim ăn, vì vậy cùng một con ốc có thể mọc thêm mắt nhiễm ký sinh trùng để phục vụ nhiều con chim.
Trong những trường hợp này, các nhà nghiên cứu có thể hiểu được cách thức ký sinh trùng đang làm những gì. Ấu trùng của R. ontradae tập trung vào điểm lồi ở chi của vật chủ lưỡng cư trung gian thứ hai của chúng; chúng bao quanh khu vực này, nơi chúng ảnh hưởng đến sự phát triển của các chi. Còn L. paradoxum tự đặt mình ở nơi mà nó sẽ dễ thấy và hấp dẫn nhất đối với những kẻ săn mồi.
Kỳ tiếp theo: Bí ẩn về bệnh dại