Chủ tịch Quốc hội: Đảm bảo không có ý kiến nào của ĐBQH không được giải trình một cách thỏa đáng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:39, 12/06/2023

Với mong muốn nâng cao chất lượng của hệ thống thể chế pháp luật lên mức cao nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì cần đảm bảo không có bất kỳ ý kiến nào của đại biểu quốc hội không được tiếp thu, giải trình một cách thỏa đáng.

Sáng 12.6, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khai mạc nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, Nghị quyết thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội khóa 15 đã hoàn thành đợt 1 của kỳ họp thứ 5 với 17 ngày làm việc, cơ bản hoàn thành các nội dung đã đề ra. Tại đợt 2 của kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ chủ yếu tiến hành biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết. Từ hôm nay (12.6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ liên tục tổ chức họp để cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, 2 dự án luật đã được bổ sung để thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 9 dự thảo Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu, cơ quan hữu quan cần thực sự cầu thị, tích cực lắng nghe để tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu quốc hội.

Với mong muốn nâng cao chất lượng của hệ thống thể chế pháp luật lên mức cao nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì cần đảm bảo không có bất kỳ ý kiến nào của đại biểu quốc hội không được tiếp thu, giải trình một cách thỏa đáng.

ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cần đảm bảo đúng theo quy trình, nguyên tắc quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ rõ, cấp bách, có sự đồng thuận thống nhất cao. Những nội dung chưa “chín”, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động đầy đủ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đảm bảo tinh thần công khai, minh bạch, quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuyệt đối tránh cài cắm lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến, sẽ hình thành phương án xin ý kiến cơ quan trình.

Đánh giá sáng kiến chia kỳ họp làm 2 đợt để có thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý là hợp lý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiến hành công việc càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian nghỉ giữa hai đợt để triển khai khẩn trương, kịp thời công việc.

Đánh giá cao Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và tích cực với các cơ quan của Chính phủ trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phát huy để nâng cao chất lượng công việc, đảm bảo các dự án luật, nghị quyết đạt được chất lượng cao nhất.

Hoài Lam