Cựu lãnh đạo Samsung bị bắt vì lấy cắp bí mật thương mại để xây nhà máy chip ở Trung Quốc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:20, 12/06/2023
Cựu nhân viên 65 tuổi đối mặt với tội danh vi phạm luật bảo vệ công nghệ công nghiệp và luật ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8.2018 đến năm 2019, người này bị cáo buộc lấy cắp bí mật thương mại của Samsung Electronics, trong đó có dữ liệu kỹ thuật cơ bản, bản vẽ thiết kế, bố trí quy trình trong nhà máy chip.
Dữ liệu kỹ thuật cơ bản giúp đảm bảo cơ sở sản xuất chip không bị bẩn. Bố trí quy trình chứa thông tin mặt bằng nhà máy lẫn thông tin về 8 quy trình sản xuất cốt lõi. Số bí mật thương mại này rất quan trọng cho hoạt động sản xuất DRAM nhỏ hơn 30 nanomet cùng chip nhớ NAND.
Theo các công tố viên, đối tượng bị truy tố cố sử dụng bí mật thương mại lấy cắp để xây dựng một nhà máy chip chỉ cách nhà máy Samsung tại thành phố Tây An 1,5km. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại vì một đối tác Đài Loan không thực hiện lời hứa đầu tư 8.000 tỉ won.
Thay vào đó, người này nhận 460 tỉ won từ các nhà đầu tư Trung Quốc, sản xuất sản phẩm thử nghiệm dựa trên nền tảng công nghệ Samsung tại một nhà máy trên địa bàn thành phố Thành Đô vào năm ngoái.
Nhà máy này thuê khoảng 200 người từ Samsung Electronics và SK Hynix. Đối tượng bị truy tố đã chỉ đạo nhân viên lấy cắp thiết kế sản phẩm bán dẫn Samsung cùng nhiều bí mật thương mại khác. Ước tính, vụ việc khiến Samsung Electronics bị thiệt hại ít nhất 300 tỉ won.
Hồi tháng 2, nhóm cựu nhân viên Samsung Electronics khác bị tòa án Hàn Quốc kết án do chuyển giao công nghệ bán dẫn cho những công ty Trung Quốc.
Ngày 20.2, tòa án quận Suwon kết án 7 cựu nhân viên SEMES, công ty sản xuất thiết bị chế tạo chip và màn hình của Samsung Electronics. Họ bị buộc tội thu thập, chuyển giao bất hợp pháp công nghệ bán dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số đó, một nhà nghiên cứu họ Nam bị kết án 4 năm tù do ăn cắp công nghệ độc quyền của SEMES liên quan đến thiết bị làm sạch chất bán dẫn, sau đó chế tạo các cỗ máy tương tự để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Công ty do Nam thành lập để sản xuất thiết bị chịu án phạt khoảng 768.000 USD. Ngoài ra, 6 cựu nhân viên khác của SEMES cũng bị kết tội do ăn cắp công nghệ, với bản án tối đa 2,5 tù giam.
Tòa án cho biết thông tin bị thu thập gồm bản thiết kế và danh sách thành phần chế tạo máy móc, được trích xuất thông qua hình ảnh, file dữ liệu từ năm 2018 đến 2020.
Dựa trên thông tin bị đánh cắp, các cựu nhân viên tạo ra 24 bản thiết kế máy làm sạch bán dẫn và bán 14 thiết bị thành phẩm cho các công ty và một viện nghiên cứu của Trung Quốc, tổng trị giá khoảng 59,8 triệu USD.
Theo hồ sơ tòa án, Nam cũng thành lập liên doanh với một công ty Trung Quốc vào năm 2020 để chuyển giao công nghệ. Đổi lại, cả 7 người được cấp cổ phần trong liên doanh này.
Chất bán dẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc khi chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu, được xem là "công nghệ cốt lõi của quốc gia" với những quy định nghiêm ngặt về nhân sự và chuyển giao công nghệ.
"Nếu những tội ác như thế này bị trừng phạt nhẹ, các công ty sẽ không có động lực cống hiến lâu dài về thời gian, nguồn lực cho sự phát triển công nghệ. Điều đó dẫn đến đối thủ cạnh tranh của nước ngoài sẽ dễ dàng đánh cắp công nghệ mà Hàn Quốc dày công xây dựng dưới chiêu bài tuyển dụng nhân tài", theo phán quyết của tòa án.
Đây không phải lần đầu các công ty nước ngoài dính bê bối chuyển giao công nghệ bán dẫn nhạy cảm cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong báo cáo thường niên được công bố đầu tháng 2, ASML (công ty Hà Lan sản xuất máy in thạch bản cực tím để chế tạo chip) cho biết một cựu nhân viên ở Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu về công nghệ độc quyền của công ty, vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. ASML đã báo cáo vụ việc cho chính quyền và đánh giá nội bộ, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đây lần thứ hai trong nhiều năm ASML tố cáo cá nhân và tổ chức từ Trung Quốc. Một năm trước, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip nổi tiếng của Hà Lan cáo buộc một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh có khả năng đánh cắp bí mật thương mại. Hiện không rõ những dữ liệu bị đánh cắp có được dùng trong việc phát triển hệ thống in thạch bản hay không. Song trong báo cáo thường niên, ASML cho biết vụ đánh cắp dữ liệu mà công ty đang điều tra không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
ASML là một trong những nhân tố chính trong cuộc căng thẳng công nghệ đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt về quyền tiếp cận các thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Chính quyền Biden đã thực hiện hạn chế sâu rộng với khả năng xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của các công ty Mỹ vào tháng 10.2022, đồng thời thuyết phục thành công Hà Lan và Nhật Bản tham gia nỗ lực này.
Dưới áp lực từ Mỹ, chính phủ Hà Lan đã áp đặt biện pháp hạn chế ASML bán máy móc tiên tiến nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2019. Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, đã phản đối một số hạn chế với khả năng bán hàng vào Trung Quốc. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ phát triển lựa chọn thay thế trong nước nếu không thể mua thiết bị từ phương Tây.