Đằng sau việc Google, Microsoft, OpenAI hạn chế truy cập chatbot AI với người dùng ở Hồng Kông
Thế giới số - Ngày đăng : 17:20, 12/06/2023
Từng bước một, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang dần đóng cửa với người dùng ở Hồng Kông, nơi các động thái của chính quyền nhằm ngăn chặn những người bất đồng chính kiến trên mạng đang chuyển mục tiêu từ cá nhân sang các nền tảng như YouTube của Google.
Google, OpenAI, Microsoft đã hạn chế truy cập vào các chatbot AI của họ là Bard, ChatGPT, Bing Chat những tháng gần đây tại Hồng Kông, trung tâm tài chính và kinh doanh toàn cầu. Trong trường hợp của OpenAI, việc hạn chế này đặt Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vào cùng danh sách với Triều Tiên, Syria và Iran.
Dù không công ty Mỹ nào nêu lý do, các nhà quan sát cho biết họ có thể gặp rủi ro nếu chatbot tạo ra nội dung vi phạm luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông gần ba năm trước. Luật hình sự hóa nhiều loại chỉ trích nhắm vào chính quyền Trung Quốc.
Google, OpenAI và Microsoft từ chối bình luận về lý do tại sao hạn chế sử dụng chatbot ở Hồng Kông, nhưng cho biết đang nỗ lực để đưa dịch vụ của mình đến các địa điểm mới trong tương lai.
George Chen, cựu Giám đốc chính sách công của Trung Quốc đại lục tại Meta Platforms (công ty mẹ Facebook), cho biết lệnh của tòa án ngăn chặn bài hát ủng hộ dân chủ mang tên Glory to Hong Kong nếu được chấp thuận tại phiên điều trần hôm 12.6, có thể dẫn đến việc “mở cửa xả lũ” cho các hành động pháp lý chống lại những gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Lệnh trích dẫn 32 video trên YouTube của bài hát này.
Theo George Chen, hiện là Giám đốc điều hành công ty tư vấn kinh doanh Asia Group khu vực của Hong Kong và Đài Loan, Google có thể bị buộc phải tuân thủ lệnh tòa án Hồng Kông liên quan đến bài hát, điều này sẽ làm phức tạp quá trình kiểm duyệt nội dung của nó.
Ông nói việc Google tuân thủ như vậy có thể khiến các nhà làm luật Mỹ tức giận, vì cáo buộc công ty cúi đầu trước các yêu cầu kiểm duyệt.
Vào năm 2010, Google đã rút công cụ tìm kiếm của mình khỏi ở Trung Quốc đại lục sau khi không đồng ý kiểm duyệt kết quả tìm kiếm ở nước này.
Một số người lo ngại rằng mạng internet phần lớn không bị kiểm soát của Hồng Kông đang bị đẩy gần hơn với mạng internet ở Trung Quốc, vốn bị kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi Great Firewall (Tường lửa vĩ đại) và không có quyền truy cập vào các dịch vụ truyền thông xã hội nước ngoài như Twitter, Facebook kể từ năm 2009.
Heatherm Huang, đồng sáng lập hãng công nghệ Measurable AI có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên phân tích dữ liệu mua sắm trực tuyến cho các công ty tài chính, cho biết: “Chúng tôi chưa có Great Firewall, nhưng các công ty Mỹ không cung cấp dịch vụ của họ tại đây. Nhìn chung, đó là một câu chuyện buồn".
Một số cư dân Hồng Kông đã có thể truy cập chatbot AI bằng các ứng dụng đặc biệt của bên thứ ba hoặc bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN), cho phép người dùng bảo mật vị trí và danh tính của họ khi trực tuyến.
Một phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói tôn trọng các chiến lược ra mắt sản phẩm của các công ty và lưu ý rằng có thể truy cập được các chatbot thông qua các phương tiện thay thế, chẳng hạn VPN.
Dù dân số Hồng Kông khoảng 7,5 triệu người không tạo thành một thị trường lớn về quy mô người dùng với các hãng công nghệ Mỹ, các công ty nước ngoài và người lao động thường trích dẫn sự tự do thông tin như một trong những lý do đặt trụ sở tại đây.
Thế nhưng, một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông công bố vào tháng 3 cho thấy chỉ 38% số người được hỏi lạc quan hoặc rất lạc quan về việc Hồng Kông duy trì quyền truy cập tự do vào internet toàn cầu và các nền tảng thông tin trong 3 năm tới.
Charles Mok, học giả thỉnh giảng tại Trung tâm chính sách mạng của Đại học Stanford (Mỹ) và là cựu nhà làm luật Hồng Kông, cho biết các công ty AI có thể lo ngại về việc chatbot của họ vi phạm luật an ninh quốc gia Trung Quốc. Ông nói điều đó có thể xảy ra nếu các chatbot trả lời câu hỏi theo cách vi phạm các quy tắc.
Phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất iPhone, Apple trong nhiều năm đã sử dụng dịch vụ của Google để hiển thị cảnh báo cho người dùng trình duyệt Safari ở Hồng Kông và các nơi khác khi họ nhấp vào các liên kết có thể độc hại, chẳng hạn những liên kết có thể được thiết kế cho lừa đảo.
Apple đã cập nhật chính sách quyền riêng tư của Safari vào cuối năm ngoái để nêu rõ rằng công ty cũng có thể dùng công cụ của Tencent để thực hiện việc đó ở Hồng Kông, giống như tại Trung Quốc đại lục.
Những tháng gần đây, người dùng ở Hồng Kông đã chia sẻ ảnh chụp màn hình cho thấy dịch vụ của Tencent đã gắn cờ và chặn quyền truy cập vào các trang web hợp pháp từ phương Tây. Chúng bao gồm trang web mã hóa GitLab (Mỹ), sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase (Mỹ) và dịch vụ truyền thông xã hội Mastodon. Sau đó, người dùng ở Hồng Kông đã truy cập lại được các trang web này.
Chuyên gia Benjamin Ismail từ cơ quan giám sát kiểm duyệt trực tuyến GreatFire.org cho biết: “Khó có thể tưởng tượng rằng đây là một sự cố và danh sách này sẽ không mở rộng theo thời gian”.
Apple không trả lời khi được đề nghị bình luận. Một phát ngôn viên Tencent cho biết hệ thống của họ tuân theo các tiêu chuẩn tốt nhất để chặn các trang web độc hại.
Hai tập phim The Simpsons mà Disney từ chối phát sóng tại Hồng Kông trên Disney+ đã đề cập đến các chủ đề nhạy cảm với Trung Quốc.
George Chen cho biết việc Hồng Kông kiểm duyệt bài hát ủng hộ dân chủ trên YouTube báo hiệu rằng các hãng công nghệ Mỹ nên lường trước những thách thức tiếp theo với nội dung nhạy cảm.
“Lần này là về bài hát, lần sau có thể là thứ khác”, ông nói.