Trợ lý AI của Việt Nam sẽ được phát triển chuyên sâu cho từng lĩnh vực

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:45, 14/06/2023

Đại diện VNPT cho biết đơn vị đã phát triển những trợ lý AI theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho một ngành, một lĩnh vực, một nghiệp vụ cụ thể.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 (Industry Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 14.6 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm và tham dự từ hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

anh_9905.jpg
Quang cảnh Hội thảo chuyên đề 2 - Ảnh: BTC

Tại phiên Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao liên tục trong nhiều năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Trong đó, đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đã hình thành một số ngành dịch vụ có hàm lượng KH-CN cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm, chiếm 41,33% GDP năm 2022.

Đặc biệt, Việt Nam coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, IoT…), trong đó AI là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.

anh_9905(1).jpg
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà quản lý - Ảnh: BTC

Ông Dương Lê Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh AI FPT Smart Cloud trích dẫn báo cáo của Deloitte khi 94% lãnh đạo tin rằng AI là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, tỷ lệ ứng dụng AI tăng 2,5 lần từ năm 2017 - 2022. Top 3 giá trị do AI mang lại phải kể tới việc tăng năng suất nhờ khả năng tự động hóa, cải thiện quá trình đưa ra quyết định và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông Đức cho biết AI có thể được ứng dụng xuyên suốt các chức năng nghiệp vụ trong doanh nghiệp, hướng tới mục đích đổi mới trải nghiệm khách hàng số, tối ưu vận hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, AI sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng, khi AI có thể giao dịch bằng giọng nói, phân tích trên thời gian thực, phân tích cảm xúc, nhận dạng hình ảnh và video.

Điều này có thể nhìn thấy từ câu chuyện thành công của ngân hàng trên thế giới. Ông Đức chia sẻ rằng năm 2022, Bank of America báo cáo 43 triệu khách hàng đang sử dụng Trợ lý ảo Erica, tăng 16 lần so với năm 2019.

Chia sẻ từ một câu chuyện lịch sử, ông Lê Thái Hưng - Giám đốc chiến lược VNPT AI cho biết từ khi thành lập cho đến nay, ngành bưu chính viễn thông đã trải qua các cuộc cách mạng, trong đó cách mạng về truyền dẫn thông tin đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác và làm việc.

“Đằng sau sự thành công của cuộc cách mạng này phải kể tới công nghệ nén, giúp thông tin được truyền tải dễ dàng và nhanh chóng. Từ đó, rất nhiều kiến thức được khám phá, nhiều việc cần được xử lý cùng lúc, nhiều thứ phải nhớ; và công nghệ nén tiếp tục giúp chúng ta thành công trong cuộc cách mạng tri thức”, ông Hưng phân tích.

Theo ông Hưng, với sự phát triển của AI, con người có thể nén tri thức của mình vào các dạng Neural Network (NN) thông qua quá trình huấn luyện; các kỹ năng, kiến thức sẽ được lưu trữ trong các tham số của mạng NN. Ngoài ra, ví dụ điển hình của nén tri thức là sự ra đời của ChatGPT, rất nhiều tri thức được nén vào AI engine thông qua quá trình huấn luyện, gồm nhiều bước trên hạ tầng lớn với lượng dữ liệu cực lớn…

anh_9885.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2 - Ảnh: BTC

Ông Lê Thái Hưng cũng thông tin VNPT đã có một hệ sinh thái chuyển đổi số với các bộ giải pháp trong các lĩnh vực. VNPT đã phát triển những trợ lý AI theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho một ngành, một lĩnh vực, một nghiệp vụ cụ thể (như trợ lý AI y tế, trợ lý AI tra cứu bộ ngành, trợ lý AI chăm sóc khách hàng...).

Ông Hưng cho biết, chiến lược phát triển VNPT AI là tập trung làm chủ công nghệ và cung cấp các sản phẩm AI trong các lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý âm thanh.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy nhận định rằng một số trụ cột thúc đẩy và phát triển trí tuệ nhân tạo cần được chú trọng, trong đó có trụ cột về nhân lực chuyên gia AI và nhóm kỹ năng công nghệ số; hạ tầng tính toán và dữ liệu...

Theo Thứ trưởng Duy, hiện Bộ KH-CN đang phối hợp các chuyên gia xây dựng hệ thống quy định “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm” - trách nhiệm từ người xây dựng đến người sử dụng.

Thu Anh