Hơn 3.000 DN có thể giảm được 3.200 tỉ đồng tiền điện mỗi năm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:00, 16/06/2023
Thông tin trên được ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí ngày 15.6.
Ông Kim cho biết, năm 2023 hiện tượng El Nino làm cho nền nhiệt tăng cao và lượng mưa giảm. Mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở trong tình trạng thấp hoặc dưới mực nước chết nên dự báo việc cung cấp điện trong mùa hè năm nay gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, để đạt tăng trưởng GDP bình quân từ 6 - 7%/năm thì mỗi năm tăng trưởng điện phải đạt trên 9% mới đáp ứng được các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ đời sống dân sinh.
Theo đó, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện cho sinh hoạt, sản xuất. Đây cũng là giải pháp trực tiếp giảm số tiền điện phải chi trả của mỗi doanh nghiệp và người dân. Do đó, tiết kiệm điện cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người.
Ông Phương Hoàng Kim cho rằng hiện nay tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn. Các khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc chỉ triển khai mang tính hình thức.
Trên "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp nói trên có tổng mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỉ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỉ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỉ đồng.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn. Vậy giải pháp để có thể khai thác tối đa tiềm năng này, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhìn nhận: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ngành công nghiệp của Việt Nam lên tới 30 - 35%. Để khai thác tối đa tiềm năng này không những cần chú trọng đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà còn cần thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.
Cụ thể, các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. UBND các tỉnh, thành phố cần triển khai hiệu quả kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành quản lý. Trên cơ sở luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản điều hành quản lý để thực sự đưa được các quy định pháp lý vào thực tế. Đặc biệt, cần đưa ra được những chính sách thích hợp về công nghệ (để loại bỏ dần các công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp trên thị trường và thúc đẩy các công nghệ hiệu suất cao, tiếp tục bổ sung một số nhóm sản phẩm, thiết bị thích hợp vào lộ trình dán nhãn cho giai đoạn 2021-2030).
Bên cạnh các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng, trong thời gian tới, các hoạt động kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được tăng cường. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về hiệu suất năng lượng của các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Về việc bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ: Các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và công nghệ cần được sửa đổi, cập nhật, nâng cao dần theo trình độ phát triển công nghệ trong nước để từng bước hội nhập với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
"Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện tiết kiệm năng lượng và dán nhãn năng lượng như nhu cầu mong muốn thì sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng, là đòn bẩy có tác động thúc đẩy phát triển thị trường thiết bị hiệu suất cao và chương trình dán nhãn năng lượng ở nước ta", ông Kim nhấn mạnh.