Tục cúng chùa cầu an và chuyện kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:16, 01/02/2020

Tục lễ chùa cầu an ngày đầu năm được xem là nét văn hóa tâm linh đối với người dân các tỉnh miền Tây nói riêng và cả nước nói chung. Phong tục này đã ăn sâu vào tâm thức của người dân và nó đã trở thành bản sắc văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam trong ngày đầu xuân mới. Với người dân, lễ chùa cầu an ngày đầu năm sẽ mang lại cho họ sự tự tin, tiếp thêm động lực để làm việc và mong muốn mọi điều may mắn, hanh thông.
Người dân đi lễ chùa cầu an ngày đầu năm mới - Ảnh: Khải Quốc

Chuyện kiêng cho lửa, tránh người nặng vía đến nhà xông đất

Theo tìm hiểu của PV, một số người mê tín dị đoan ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cho rằng, trong ngày đầu năm mới họ thường chọn người có vị thế, có tầm ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của cả gia đình trong suốt 1 năm sắp tới để đến chúc tết đầu tiên (người hợp mạng, có tài vận tốt - PV). Họ thường kiêng cữ những người nặng vía, không hợp tuổi, hợp mạng đến gia đình xông đất, chúc tết nhân ngày đầu năm mới.

Bà L. ngụ TX.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Ngày đầu năm mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình tôi, nên người đầu tiên đến gia đình tôi chúc tết ngày mùng 1 phải là người hợp tuổi, hợp mạng với gia đình. Vì theo quan niệm, những trường hợp này sẽ mang đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình trong suốt năm đó”.

Theo bà L., chính vì vậy, ngày đầu mùng 1 Tết Nguyên đán, bà thường “thỏa thuận” trước với những người thân trong dòng tộc để đến xông đất nhà mình và ngược lại bà cũng đi chúc tết cho gia đình ai đó. Việc làm này đã được gia đình bà L. thực hiện lâu nay và bản thân bà cũng cảm nhận được sự may mắn của gia đình khi tiếp đón người có “tướng mệnh” lớn đến xông đất nhà bà.

“Người đến chúc tết gia đình tôi đầu tiên ngay ngày mùng 1 thường ở trong dòng họ, anh em thường thỏa thuận trước hết à. Xem thầy, xem tướng ai hạp với mạng mình thì bật “xi-nhan” đặt cọc với người đó thôi. Anh em trong họ thường hỗ trợ với nhau rất tốt vấn đề này, ngày đầu năm rất quan trọng, bởi thế tôi đặc biệt kiêng kỵ những ai đến nhà xông đất mà không hợp tuổi, xung khắc”, bà L. cho biết.

Cũng theo bà L. một điểm vô cùng đặc biệt trong suy nghĩ của bà là không bao giờ cho lửa những ai đến xin lửa trong ngày đầu năm. Bởi bà L. luôn quan niệm, lửa là thể hiện cho sự ấm cúng, hạnh phúc, nếu cho trong ngày đầu năm mới chẳng khác nào chia sẻ sự hạnh phúc, ấm áp của gia đình cho người khác, việc đó là không may mắn.

Bà L. nói: “Những người hút thuốc thường hay mượn bật lửa để đốt thuốc hút lắm, họ nghiện thuốc nên chẳng có ý thức kiêng kỵ điều gì đâu. Khi có ai đến xin lửa ngày mùng 1 tết là tôi đâu có cho, tôi thường nói khéo là nhà không có bật lửa. Nhiều khi người ta nói mình ích kỹ, nhưng mình cũng đành chịu thôi. Chẳng ai chia sẻ sự ấm áp, hạnh phúc của gia đình cho người khác đâu, nếu cho thì chắc chắn năm đó sẽ gặp nhiều điều không hay xảy ra, tốt nhất là nên tránh cho lành”.

Cũng theo người phụ nữ này, bản thân bà không bao giờ quét nhà, cắt tóc hoặc cắt móng tay trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Bởi theo quan niệm, làm việc này trong ngày đầu năm thì chẳng khác nào quét bỏ đi sự may mắn của gia đình trong năm đó. “Tôi đại kỵ nhất là quét nhà ngày đầu năm, vì đó là may mắn, là tài lộc của gia đình. Thường tôi gom lại trong một góc nào đó chứ không quét bỏ”, bà L. nói thêm.

Người trong cuộc kể chuyện “gieo nhân gặp quả”

Ông H., ngụ tỉnh Cà Mau, cho biết, gia đình ông không theo đạo Phật, nhưng những lời mà Phật dạy là rất hay, phù hợp với đời sống xã hội. Ông H. cho rằng, trong cuộc sống nếu mình gieo nhân nào thì ắt sẽ gặp quả đó. Đó là luật nhân quả, có vay thì có trả. Ngược về ký ức, ông H. nói với giọng trầm tư, hồi trước ông là một người con ngỗ ngược, không bao giờ nghe lời cha mẹ, thường hay giao du với những thành phần bất hảo, làm nhiều chuyện xấu và cuối cùng ông H. đã bị pháp luật trừng phạt, đi tù vì tội “Cố ý gây thương tích”.

“Hồi đó, tôi chơi với các tay anh chị xã hội, rồi theo nhóm này đi đâm chém để giành địa bàn “bảo kê”. Lần đó, vì tranh nhau địa bàn mà tôi chém đối phương trọng thương, rồi tôi bị bắt giam và bị kết án 2 năm tù. Vào tù kham khổ, cơ cực lắm, tôi mới thắm thía những ngày sống bên gia đình nó hạnh phúc và bình yên đến nhường nào. Khi đó, mới thức tỉnh và tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để làm lại cuộc đời nên quyết tâm cải tạo tốt và được giảm án trước hạn”, ông H. tâm sự.

Sau khi mãn án tù, ông H. trở về gia đình và đi học nghề sửa xe kiếm sống, mưu sinh qua ngày. Thấy ông ra tù, các tay anh chị xã hội ngày xưa lại đến lôi kéo, dụ dỗ ông trở về đường cũ, cùng họ sát cánh kiếm chén cơm, nhưng ông H. đã thẳng thắn khước từ. “Cha mẹ tôi đã khổ vì tôi nhiều rồi, ngày tết năm nào họ cũng van vái, cầu khẩn cho tôi được bình an, sớm quay đầu. Bởi thế, nếu tôi tiếp tục làm ông bà khổ nữa thì tôi bất hiếu dữ lắm, nên tôi quyết thay đổi mình, làm con người có ích cho xã hội”, ông H. nói.

Kể từ ngày ra tù, ông H. quyết bỏ nghề “giang hồ” để đi học nghề rồi trở thành thợ sửa xe và cuộc sống cứ thế rất bình yên trôi qua từng ngày, sau đó ông cưới vợ, sinh con. “Ngày ra tù tôi gặp và quen vợ tôi bây giờ, chính nhờ bà ấy mà tôi mới thức tỉnh và đưa tôi đi theo con đường đúng đắn. Đúng là gieo nhân nào gặp quả đó, ngày trước tôi làm bao việc sai trái, phạm pháp thì phải nhận hình phạt thích đáng bằng việc đi tù. Những anh chị xã hội của tôi thì người nào cũng đi tù, có kẻ thức tỉnh làm lại cuộc đời thì có cuộc sống an nhàn, cũng có kẻ chưa giác ngộ nên vào tù ra khám cho đến cuối đời”, ông H. kể.

Chùa Từ Quang - 1 trong những ngôi chùa được xem là linh thiêng ở vùng đất Cà Mau - Ảnh: Khải Quốc

Ông H. khuyên rằng, là con người, trước hết phải sống thật có tâm, làm việc bằng tình cảm, thật thà thì ắt sẽ có cuộc sống tốt về sau. Đừng quá tham lam hay đố kỵ với bất kỳ ai. Bởi nếu người nào có đức tính đó, thì sớm muộn gì người đó sẽ nếm trái đắng và trả giá cho những hành vi của mình.

“Bây giờ, cứ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán hằng năm là tôi cùng gia đình đi cúng chùa cầu an và thành tâm dâng lên đức phật những nguyện ước của mình và mong muốn làm sao cho cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Hầu như mọi điều tôi khấn đều thành hiện thực, nhưng quan trọng nhất là mình nỗ lực thì ắt sẽ thành công. Nếu mình làm việc thiện, tích đức thì trời phật sẽ thấy mà phù hộ. Với tôi, trời phật sẽ không lấy đi của ai mọi thứ và cũng không cho ai tất cả đâu. Hãy sống và làm việc theo cái tâm thì tự khắc mọi đều tốt đẹp sẽ đến, tâm tịnh không lo lắng điều gì thì cuộc sống sẽ yên bình”, ông H. đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.

Cuộc sống sung túc nhờ…kiếp trước cúng dường

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mùng 1 Tết Nguyên đán là gia đình ông Đ., chủ 1 cửa hàng tạp hóa ở Bạc Liêu lại đến Quán Âm Phật Đài (ở phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu) để cầu an cho bản thân và gia đình nhiều sức khỏe, cầu cho một năm sung túc. Đồng thời, ông cũng không quên khấn vái để gửi gấm mong ước của bản thân về công việc kinh doanh được thuận lợi lên Mẹ Nam Hải.

Với ông Đ., Mẹ Nam Hải được xem là biểu tượng tâm linh không chỉ riêng của người dânBạc Liêu, mà còn được người dân ở nhiều địa phương trong cả nước biết đến. Bởi sự linh thiêng của Mẹ Nam Hải - vị Phật mẫu luôn chở che, đem đến cho chúng sinh mọi đều tốt lành từ lâu đã được nhiều người tìm đến dâng hương và gửi gấm nguyện vọng.

Ông Đ. cho biết: “Sống ở đời nên biết trước biết sau, mình làm việc thiện, tích lũy công đức ngày hôm nay thì ngày sau con cháu mình sẽ được hưởng đức. Bởi thế, gia đình tôi thường xuyên đi chùa lễ Phật để cầu an và đó đã trở thành nếp sống của gia đình qua bao đời nay. Mình làm ăn như thế nào trời phật đều thấy, nên bản thân tôi và các thành viên trong nhà luôn làm theo lời phật dạy và có niềm tin tuyệt đối vào luật nhân quả”.

Ông Đ. còn chia sẻ, Phật pháp lúc nào cũng mang đến cho chúng sinh những điều tốt đẹp, bình an. Bởi thế, là Phật tử, bản thân ông Đ. luôn có đức tin vào Phật và cũng từ đức tin ấy, đã giúp cho cuộc sống gia đình ông được ấp no, sung túc. Công việc kinh doanh từ trước đến nay luôn hồng phát, suôn sẻ.

“Đối với Phật tử, việc cúng cầu an ngày đầu năm sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, đó như là liều thuốc tinh thần, tiếp thêm sức mạnh về tất cả mọi mặt của đời sống như, sức khỏe, việc làm ăn…mọi việc đều thuận lợi. Với tôi, nếu cúng dường đều đều sẽ tích được nhiều công đức và cuộc sống sẽ ấm no, sung túc đúng như nhà Phật nói luật nhân quả là có thật. Kiếp trước chắc tôi sống tốt tích nhiều đức, nên kiếp này có cuộc sống sung sướng và tôi sẽ tiếp tục khuyên dạy con cháu cùng làm thiện tích công đức”, ông Đ. nêu quan điểm.

Lý giải về việc cúng chùa ngày đầu năm của người dân, sư thầy Thích Tâm Hùng, ở chùa Vạn Thông (Bạc Liêu) cho biết, việc đi lễ chùa ngày đầu năm của người dân chủ yếu cầu cho sự may mắn, hanh thông, công việc năm đó được suôn sẻ, thuận lợi. Sư thầy Tâm Hùng giải thích: “Ngày đầu năm mới người dân thường đến chùa lễ Phật, thành tâm cầu khấn hồng ân chư phật, chư đại Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng gia hộ cho bản thân và gia đình mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hoà thuận. Việc cầu an ngày đầu năm sẽ giúp cho Phật tử họ tự tin hơn trong việc làm ăn được trôi chảy. Đó là niềm tin của Phật tử đối với nhà Phật, bởi Phật luôn mang đến may mắn cho chúng sinh”.

Sư thầy Tâm Hùng nói rằng, nếu năm đó, mà người nào đó gặp vận hạn, xui xẻo đổ lỗi là do không đi cầu an ngày đầu năm là không phải, đó chẳng qua là do luật nhân quả. Trong suy nghĩ của sư thầy, nếu ông bị đau bệnh, không may mắn trong năm đó thì cốt lõi là do nhân quả. Việc cầu khẩn là thể hiện đức tin của chúng sinh đối với nhà Phật.

“Dù có cầu khẩn mà không làm, chỉ trông chờ, ỷ lại thì chẳng được gì đâu. Cái chính là nhân quả, tôi lấy ví dụ nếu mình bệnh đau nhiều là do nghiệp sát sinh mà ra. Nếu kiếp này mình được ấm no, sung túc là nhờ vào kiếp trước mình làm việc thiện nhiều và cúng dường hoa cho Phật. Trái lại, kiếp này mình nghèo khó là do kiếp trước mình hà tiện, bủn xỉn không biết cúng dường. Cái gì cũng theo luật nhân quả cả. Có nhiều cách cúng dường khác nhau như: bằng tiền, gạo, hoa quả… tất cả đều được, tùy vào điều kiện của Phật tử”, sư thầy tâm Hùng nói.

Sư Tâm Hùng còn lưu ý: “Khi Phật tử đến dâng hương ở chùa thì nên sắm các lễ vật như hương, hoa quả, xôi chè... Tuyệt đối, không được sắm sửa lễ mặn và không nên mua sắm lễ vật như vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật. Tiền giấy âm phủ kiêng đặt ở bàn thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức. Riêng hoa tươi dâng lễ phật phải là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu…”.

Theo nhà Phật, nếu thành tâm cầu nguyện ngày đầu năm thì sẽ thỏa được ước nguyện - Ảnh: Khải Quốc

Ông Lê Tuấn An, cán bộ đang công tác trong lĩnh vực văn hóa ở Cà Mau nói: “Đa số những người lớn tuổi họ rất là mê tín, thường họ đi coi thầy, coi tướng để kén người đến nhà chúc tết ngày mùng 1 và phải chọn người có tên đẹp như Tiền, Tài, Bạc… đến chúc tết gia đình. Việc mê tín này chỉ có trong suy nghĩ của một số người nào đó thôi, chứ người miền Tây mình rất hào sảng, mến khách nên có người đến nhà mừng tuổi ngày tết là rất quý. Tôi lấy ví dụ nếu trùng hợp có người tên Quan, người tên Tài đến nhà chúc tết thì mình cũng niềm nở đón tiếp chớ không lẽ đuổi người ta về thì coi làm sao được”.

Ông cũng khẳng định: “Sự mê tín đó chỉ là bộ phận nhỏ người dân mình thôi, những người già xưa hay theo lối tư duy cũ, những suy nghĩ này là không thực tế với người dân trong giai đoạn hiện nay. Người miền Tây mình gặp nhau là mừng rồi, chứ có kiêng kỵ gì đâu. Gia đình tôi không bao giờ có suy nghĩ đó, chúng ta phải nghĩ thoáng một tí, người ta quý mến gia đình mình thì người ta mới đến xông đất, đừng kiêng kỵ thái quá rồi thành ra mê tín dị đoan”.

Khải Quốc