Bộ trưởng KH-CN đề nghị lưu ý các nghiên cứu về khía cạnh pháp lý, tác động của AI

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:44, 17/06/2023

Bộ trưởng đề nghị các Vụ chức năng của Bộ KH-CN tổ chức xây dựng các nhiệm vụ KH-CN liên quan đến AI trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Bộ KH-CN vừa tổ chức tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo (AI) với khoa học xã hội và nhân văn: Xu hướng và cách tiếp cận”.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, nghiên cứu và ứng dụng về AI là xu hướng diễn ra rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển AI; tuy vậy, các vấn đề liên quan đến tác động của việc nghiên cứu và ứng dụng AI đối với xã hội, với con người hiện còn ít được quan tâm hơn khía cạnh công nghệ.

Bộ trưởng đề nghị các Vụ chức năng của Bộ KH-CN tổ chức xây dựng các nhiệm vụ KH-CN liên quan đến AI trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhất là trong các chương trình KH-CN cấp quốc gia. Trong đó, lưu ý các nghiên cứu về khía cạnh pháp lý, đạo đức, tác động của AI.

toan-canh-ai.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: BTC

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0 ngày càng được quan tâm phát triển trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia.

Với sự “bùng nổ” của công nghệ AI đặt ra một số vấn đề trong nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay, như chuẩn mực về đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI; AI tạo ra nhiều nghề nghiệp mới, nhưng cũng có nhiều nghề mất đi. Vì vậy cần có các nghiên cứu các chính sách tác động của AI nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển…

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy khẳng định Bộ KH-CN rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý liên quan đến AI. Thứ trưởng cũng đặt ra 4 nhóm vấn đề nghiên cứu để cùng thảo luận, gồm tích hợp các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn vào nghiên cứu phát triển AI (như cảm xúc, tâm lý, ảnh, video). Quy chuẩn đạo đức, pháp lý trong xây dựng và ứng dụng AI trong đời sống xã hội.

Đánh giá tác động của xã hội (đến từng cá nhân) khi triển khai ứng dụng AI sâu rộng trong cuộc sống, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp trong nghiên cứu và ứng dụng AI. Ứng dụng AI để thúc đẩy các kết quả đầu ra trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Người đứng đầu Bộ KH-CN – Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: “Bộ KH-CN mong muốn các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, đồng hành với Bộ KH-CN trong thời gian tới”.

Thu Anh