Thủ tướng: Vượt nắng thắng mưa để hoàn thành cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Sự kiện - Ngày đăng : 13:30, 17/06/2023

Sáng 17.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
cao-toc-dong-van-thanh.jpg
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60 ngày 16.6.2022 với chiều dài 188,2km, kết nối từ Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Dự án đi qua các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m, tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m.

354411883_6868353553178781_7994957301271003803_n.jpg
Quang cảnh buổi lễ khởi công sáng 17.6 - Ảnh: HH

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư. Trong đó, tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1 dài 57,2km, TP.Cần Thơ là dự án thành phần 2 dài 37,2km; tỉnh Hậu Giang là dự án thành phần 3 dài 36,9km và tỉnh Sóc Trăng là dự án thành phần 4 dài 56,9km.

cao-toc-may-moc.jpg
Đội ngũ công nhân và các phương tiện chuẩn bị sẵn sàng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như: Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; Được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

cao-toc-thi-cong.jpg
Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó tư lệnh binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn - đơn vị thi công dự án đoạn qua tỉnh Hậu Giang  phát biểu tại lễ khởi công - Ảnh: Văn kim Khanh

Phát biểu tại lễ khởi công tại điểm cầu chính An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian rất ngắn, An Giang và 3 tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực rất lớn để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần, mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026. Đây là bài học của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về sự phân quyền trong đầu tư xây dựng  giao thông.

“Tôi đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, của Bộ GTVT; biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án”, Thủ tướng nói.

cao-toc-tt(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án - Ảnh: Văn Kim Khanh

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; Huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để dự án thi công đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

UBND tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án; Cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

cao-toc-st.jpg
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút phát lệnh khởi công dự án - Ảnh: Văn Kim Khanh

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31.12.2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ.

Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn xây dựng, chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; phối hợp với các địa phương hướng dẫn quy trình triển khai dự án nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành.

"Việc khởi công dự án là quan trọng, nhưng việc hoàn thành dự án này trong 2 năm tới còn quan trọng hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương, nhân dân, nhà thầu cần chung sức đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vượt nắng thắng mưa để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không thất thoát vốn, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm người dân có cuộc sống và sinh kế ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.

Văn Kim Khanh - Lương Xuân Cao