Cựu CEO Google chi 67,6 triệu USD mua siêu du thuyền bị nhà tài phiệt Nga 'bỏ rơi'

Thế giới số - Ngày đăng : 06:35, 18/06/2023

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, đã chiến thắng một cuộc đấu giá mua chiếc siêu du thuyền Alfa Nero dài hơn 81m.

Tỷ phú người Mỹ 68 tuổi đã trả 67,6 triệu USD cho chiếc siêu du thuyền bị "bỏ rơi" ở Antigua and Barbuda (quốc đảo thuộc khu vực Trung Mỹ) bởi nhà tài phiệt Nga bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Sir Ronald Sanders, Đại sứ Antigua and Barbuda tại Mỹ, cho biết người mua du thuyền Alfa Nero là Eric Schmidt, trang Bloomberg đưa tin.

Chiếc siêu du thuyền này có liên quan đến Andrey Guryev, nhà tài phiệt kiếm bộn tiền từ việc kinh doanh phân bón và bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vào năm ngoái sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Andrey Guryev được cho là có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga - Vladimir Putin.

Các quan chức ở Antigua and Barbuda rất muốn bán Alfa Nero vì việc bảo trì và bảo dưỡng siêu du thuyền này tiêu tốn hơn 110.000 USD mỗi tháng trong thời gian nó neo đậu tại cảng Falmouth.

cuu-ceo-google-chi-67-6-trieu-usd-mua-sieu-du-thuyen-bi-nha-tai-phiet-nga-bo-roi.jpg
Nhà tài phiệt Andrey Guryev từ chối quyền sở hữu Alfa Nero vào năm 2022 - Ảnh: Getty Images

Eric Schmidt là Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011 và thôi giữ chức Chủ tịch Alphabet (công ty mẹ Google) vào năm 2018. Ông đang là tỷ phú giàu thứ 60 thế giới với giá trị tài sản ròng khoảng 24,8 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Siêu du thuyền của Eric Schmidt có một bể bơi chuyển đổi được thành sân bay trực thăng, cùng nhiều tiện nghi khác.

Một phần tiền thu về từ việc bán Alfa Nero sẽ được sử dụng để trả lương cho thuyền trưởng và thành viên phi hành đoàn siêu du thuyền này, cũng như chi trả cho các nhà cung cấp dịch vụ và hàng hóa, theo trang Boat International.

Đại diện của Eric Schmidt chưa phản hồi câu hỏi từ trang Insider.

cuu-ceo-google-chi-67-6-trieu-usd-mua-sieu-du-thuyen-bi-nha-tai-phiet-nga-bo-roi1.jpg
Eric Schmidt chi 67,6 triệu USD mua Alfa Nero - Ảnh: Internet

Đầu tháng 6, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt với siêu du thuyền Alfa Nero của Andrei Guryev. Quyết định này sẽ tạo điều kiện cho chính quyền Antigua and Barbuda bán du thuyền của nhà tài phiệt Nga.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 18.5 đã cấp giấy phép đặc biệt RUSSIA-EO14024-2023-1060959-1 ủy quyền cho Antigua and Barbuda tổ chức đấu giá Alfa Nero. Những cá nhân được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép có thể tham gia phiên đấu giá cũng như thực hiện các giao dịch không giới hạn như tham gia đấu giá, đặt cọc, cung cấp tài chính, bảo hiểm hoặc tài trợ liên quan đến việc mua hàng.

Trang web Luxury Launches cho biết Antigua and Barbuda đã nhận được ít nhất 20 đề nghị mua Alfa Nero từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhân vật máu mặt ở Pháp, Ả Rập Saudi, Monaco và New Zealand đã bày tỏ sự quan tâm đến siêu du thuyền dài 81 m, có thẩm mỹ viện, nơi tắm hơi và bể bơi vô cực này.

Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 8.2022 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Andrei Guryev, con trai tỷ phú này và Alfa Nero, với cáo buộc hoạt động kinh tế tạo ra thu nhập đáng kể cho chính phủ Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Andrei Guryev sau đó đã từ chối quyền sở hữu Alfa Nero, dẫn đến việc câu lạc bộ Náutico de Antigua và chính phủ Antigua and Barbuda phải trả chi phí neo đậu. Chính phủ Antigua and Barbuda từng tuyên bố việc Alfa Nero bị bỏ rơi là "mối nguy cho nền kinh tế nước này".

Chân dung Eric Schmidt

Về thành tích sự nghiệp và những gì đã cống hiến cho Google, hiếm ai có thể vượt qua Eric Schmidt.

Sinh ra ở thành phố Falls Church (bang Virginia, Mỹ), Eric Schmidt khởi đầu sự nghiệp của mình với một số vị trí về mảng công nghệ tại các công ty như Bell Labs, Zilog và trung tâm nghiên cứu Palo Alto của Xerox.

Năm 1983, Eric Schmidt gia nhập Sun Microsystems và sau đó trở thành Giám đốc công nghệ của công ty này. Đến năm 1997, Eric Schmidt nhậm chức Giám đốc điều hành Novell.

Sau khi rời Novell, ông được hai nhà sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin tuyển dụng để điều hành hoạt động công ty. Tháng 3.2001, Eric Schmidt trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của Google. Đến tháng 8.2001, ông tiếp tục nhậm chức Giám đốc điều hành Google.

Ngay sau khi gia nhập Google, Eric Schmidt đã giúp doanh thu công ty tăng lên đáng kể. Đến năm thứ ba, ông thực sự trở thành người "chèo lái" Google thẳng tiến vào thị trường mạng internet. Sau 3 năm, giá cổ phiếu của Google đã tăng đến 4,2 lần. Eric Schmidt là người có công đầu khi biến Google từ một công ty khởi nghiệp non trẻ ở Thung lũng Silicon thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Tháng 8.2006, Eric Schmidt được Steve Jobs đưa vào hội đồng quản trị Apple. Song sau 3 năm, hồi tháng 8.2019, ông đã từ chức và rút khỏi hội đồng quản trị Apple do một số mâu thuẫn nảy sinh trong cạnh tranh tăng trưởng của nhà sản xuất iPhone với Google.

Tháng 4.2011, Eric Schmidt rời chức vụ Giám đốc điều hành Google, song vẫn làm Chủ tịch hành chính của công ty và là cố vấn cho hai nhà sáng lập. Người kế nhiệm Eric Schmidt là nhà sáng lập Google - Larry Page.

Eric Schmidt còn đóng góp khá nhiều cho chính trị khi là cố vấn không chính thức cũng như là nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 của Barack Obama. Eric Schmidt cũng đầu tư vào The Groundwork, công ty khởi nghiệp gắn liền với chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Hiện Eric Schmidt tập trung vào tổ chức phi lợi nhuận Schmidt Futures, tổ chức tài trợ cho các nghiên cứu ý tưởng lớn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), sinh học và năng lượng. Năm 2021, ông là đồng tác giả cuốn sách Thời đại của AI, viết về tương lai của công nghệ.

Sơn Vân