ChatGPT và các công cụ AI có làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng việc làm ở Trung Quốc?

Thế giới số - Ngày đăng : 16:30, 18/06/2023

Tại thành phố Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), Matthew Chen (đồng sáng lập một studio phát hành game nhỏ) gần đây đã áp dụng generative AI để công việc trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giảm đáng kể yêu cầu về nhân công.

Đây là xu hướng mới trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bằng cách áp dụng hai công cụ do nước ngoài phát triển là Stable Diffusion (ứng dụng AI của Stability AI hỗ trợ tạo ra hình ảnh chi tiết dựa trên mô tả bằng văn bản) và ChatGPT (chatbot AI của OpenAI), công ty của Matthew Chen đã loại bỏ đội ngũ các nhà thầu trước đây thực hiện công việc dịch thuật.

Cả Stable Diffusion và ChatGPT đều chưa khả dụng ở Trung Quốc nhưng có thể sử dụng được thông qua mạng riêng ảo (VPN).

ChatGPT dịch nhanh hơn nhiều và chỉ tốn 20 USD một tháng (đăng ký tài khoản ChatGPT Plus - PV)”, Matthew Chen nói. Để so sánh, công ty dịch thuật từ bên thứ ba có thể tính phí tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD) cho hợp đồng một năm, theo Matthew Chen.

Theo Matthew Chen, những người viết quảng cáo, nhân viên dịch vụ khách hàng nói tiếng nước ngoài và một số họa sĩ minh họa cũng có thể bị thay thế bởi AI. Matthew Chen cho biết công ty của ông đang thử nghiệm Stable Diffusion để biến các bản phác thảo thô thành hình ảnh. Ông nói ứng dụng AI này có thể đạt được khoảng 80% chất lượng so với một người vẽ tranh minh họa.

Các thay đổi được thực hiện tại studio game của Matthew Chen chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong những sự đảo lộn to lớn do generative AI tạo ra với một số nghề nghiệp truyền thống ở Trung Quốc và thị trường việc làm làm rộng lớn hơn tại nước này.

Trong một phân tích toàn cầu được công bố vào cuối tháng 3, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) ước tính rằng generative AI có thể ảnh hưởng đến 300 triệu nhân viên toàn thời gian. Goldman Sachs nhận thấy rằng 1/4 nhiệm vụ hiện tại có thể được tự động hóa bằng AI ở Mỹ và châu Âu, đề cập các lĩnh vực như hỗ trợ hành chính văn phòng, pháp lý, kiến trúc và kỹ thuật.

Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ sinh thấp kết hợp với dân số già đi nhanh chóng dẫn đến sự mất cân bằng nhân khẩu học ngày càng lớn. Vấn đề này cũng trở nên phức tạp do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục của Trung Quốc.

Có 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào mùa hè này, nhiều hơn khoảng 820.000 người so với năm ngoái, sẽ tham gia vào thị trường việc làm của Trung Quốc, vốn đã tràn ngập những người tìm việc không thành công sau khi tốt nghiệp đại học trong đại dịch.

Theo một nghiên cứu gần đây do Zhang Dandan (phó giáo sư tại Trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh) tiến hành trên 1,2 triệu bài đăng việc làm trên một trang web tuyển dụng của Trung Quốc, cơ hội việc làm đang biến mất nhanh chóng với các vị trí có thể dễ dàng thay thế bằng AI, bao gồm cả bán hàng, kế toán, đào tạo, phát triển phần mềm, quản lý văn phòng và dịch vụ khách hàng.

Nghiên cứu chỉ ra AI đang lấy đi nhiều nghề truyền thống ở Trung Quốc hơn là tạo ra việc làm mới. Đây là một xu hướng có thể tăng lên, Zhang Dandan cho biết. Bà đã chia sẻ nghiên cứu của mình tại một hội nghị chuyên đề học thuật vào tháng 5 ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc).

Dù chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra ước tính về sự gián đoạn tổng thể liên quan đến AI trong thị trường việc làm của đất nước, tác động của AI đang trở nên rõ rệt hơn. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là công ty tư vấn du học nước ngoài, nơi trung gian chuẩn bị các thủ tục giấy tờ liên quan đơn xin du học, theo bài viết gần đây của tờ National Business Daily do chính quyền Trung Quốc kiểm soát. National Business Daily cho biết ChatGPT đang làm suy yếu ngành này.

Bài viết dẫn lời Zhang Ye, người điều hành một công ty hỗ trợ sinh viên Trung Quốc du học, nói rằng công ty của ông đã mất hơn 60% doanh thu trong việc tinh chỉnh đơn xin du học do công việc này được thực hiện bằng ChatGPT với chất lượng cao.

chagpt-va-cac-cong-cu-ai-co-lam-tram-trong-them-cuoc-khung-hoang-viec-lam-o-trung-quoc.jpg
Nghiên cứu gần đây cho thấy cơ hội việc làm ở Trung Quốc đang nhanh chóng biến mất  với những vị trí có thể dễ dàng thay thế bằng AI - Ảnh: Shutterstock

Theo một nghiên cứu gần đây, việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 trong phân tích dữ liệu chỉ tốn chưa đến 1% so với chi phí thuê một nhà phân tích nhưng mang lại hiệu suất tương đương.

Chi phí dành cho GPT-4 chỉ bằng 0,45% so với việc thuê một nhà phân tích dữ liệu cao cấp nhận mức lương khoảng 90.000 USD hàng năm, hoặc 0,71% so với thuê một nhân viên cấp thấp hơn. Đó là phát hiện từ Damo Academy (bộ phận nghiên cứu nội bộ của Alibaba) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) được đăng trên trang arXiv.

GPT-4 là phiên bản mới nhất mô hình ngôn ngữ lớn do OpenAI (Mỹ) phát triển để làm nền tảng cho ChatGPT hoạt động. Mô hình ngôn ngữ lớn là thuật toán học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo văn bản cũng như nội dung khác dựa trên kiến thức thu được từ các tập dữ liệu lớn.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chính thức phê duyệt bất kỳ dịch vụ kiểu ChatGPT nào trong nước. Ernie Bot của Baidu, SenseChat của SenseTime, SparkDesk của iFlytek và Tongyi Qianwen của Alibaba đều được xem xét ở “chế độ dùng thử”. Trong khi đó, cả ChatGPT và Google Bard đều chưa khả dụng ở Trung Quốc, nơi có dân số sử dụng internet lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, người dùng am hiểu công nghệ ở Trung Quốc vẫn sử dụng ChatGPT trong nhiều hoạt động khác nhau.

Nhà nghiên cứu khoa học xã hội và giáo sư đại học họ Zhang đã mô tả ChatGPT là “rất đáng tin cậy” trong phân tích dữ liệu của ông bằng R (ngôn ngữ lập trình cho tính toán và đồ họa thống kê) cũng như ngôn ngữ lập trình Python đa dụng.

Zhang cho biết: “Tôi từng dành 20 đến 30% thời gian của mình cho các nhiệm vụ như soạn giáo trình khóa học, soạn thảo kịch bản bài phát biểu cho trưởng khoa và viết chương trình họp. ChatGPT khá tốt trong việc tạo ra nội dung không cần chứa lập luận hoặc sự sáng tạo, nhưng chatbot này không thể tạo được một bài báo học thuật mới và độc đáo”.

Cũng có một số doanh nghiệp và ngành đã áp dụng rộng rãi các công cụ AI mới này và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Theo Pascale Fung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các nhà viết quảng cáo, nhà thiết kế, họa sĩ minh họa và dịch giả cũng có thể sử dụng AI để cải thiện công việc của họ và không nhất thiết phải bị thay thế.

Trên Boss Zhipin, nền tảng tuyển dụng của Trung Quốc nhắm đến các nhân viên công nghệ, ít nhất 27 vị trí tuyển dụng đã được liệt kê trong tuần này cho “kỹ sư tạo lời nhắc”, vai trò tương đối mới để tối ưu hóa sự tương tác với generative AI. Các nhà tuyển dụng là một số công ty internet lớn nhất Trung Quốc, gồm cả ByteDance (chủ sở hữu TikTok), iFlytek (gã khổng lồ nhận dạng giọng nói) và Jidu (liên doanh xe điện được hỗ trợ bởi Baidu và nhà sản xuất ô tô Geely).

Đại diện công ty tiếp thị thông minh Mogic (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu) cũng đang tìm kiếm khoảng 5 kỹ sư tạo lời nhắc, những vị trí mới được tạo vào tháng 5, theo trang SCMP.

Kỹ sư kỹ sư tạo lời nhắc phải có khả năng toàn diện để hiểu mô hình ngôn ngữ lớn, viết mã, phân tích dữ liệu và biết tiếp thị. “Ví dụ kỹ sư tạo lời nhắc phải hiểu cách thức hoạt động của một video ngắn để yêu cầu generative AI cung cấp các kịch bản phù hợp”, đại diện của Mogic nói.

Với những sinh viên mới tốt nghiệp của Trung Quốc, những người có bằng cấp liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn đang thiếu hụt. Số lượng cơ hội việc làm liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn ở nước này đã tăng 172,5% so với một năm trước đó, theo báo cáo năm 2023 của Liepin - nền tảng tìm kiếm việc dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc.

Sơn Vân