Tổng giá trị thị trường của 135 hãng bán dẫn Trung Quốc chưa bằng 1/2 Nvidia
Thế giới số - Ngày đăng : 22:54, 19/06/2023
Trung Quốc cần tăng cường “cởi mở”, “hợp tác” trong ngành công nghiệp chip của mình để vượt qua các hạn chế và lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, theo Wei Shaojun.
Wei Shaojun, Giám đốc Viện Vi điện tử của Đại học Thanh Hoa và là quan chức Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, cho biết nước này có một số yếu tố thuận lợi để giúp phát triển ngành công nghiệp chip của mình dù chuỗi cung ứng bị gián đoạn, bao gồm cả thị trường nội địa cực lớn cho chip và sự khác biệt trong mục tiêu của chính trị gia với doanh nghiệp ở phương Tây.
“Mục tiêu của chúng tôi là phá vỡ sự phong tỏa và hạn chế để đạt được khả năng tự cung tự cấp, nhưng cần lưu ý rằng khả năng tự cung tự cấp không đồng nghĩa đóng cửa với phần còn lại của thế giới”, Wei Shaojun phát biểu tại một diễn đàn công nghiệp ở Quảng Châu hôm 18.6.
Thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc đã thu hút các nhà sản xuất chip truyền thống nước ngoài dù họ bị Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến sang quốc gia châu Á.
STMicroelectronics (Thụy Sĩ), nhà sản xuất chip lớn thứ hai châu Âu tính theo doanh thu, sẽ thành lập một liên doanh bán dẫn trị giá 3,2 tỉ USD tại thành phố Trùng Khánh để khai thác nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc với các thiết bị silicon carbide (SiC).
Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) dù đang bị Trung Quốc cấm bán một số sản phẩm nhưng cho biết sẽ đầu tư thêm 600 triệu USD để nâng cấp nhà máy ở thành phố Tây An.
Bị cấm bán chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc theo các quy tắc xuất khẩu nghiêm ngặt hơn từ Mỹ, Nvidia (Mỹ) thiết kế chip dành riêng cho khách hàng quốc gia châu Á.
ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, được cho đã đặt mua chip của Nvidia trị giá 1 tỉ USD để sử dụng trong các dự án trí tuệ nhân tạo (AI).
Wei Shaojun cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như các đợt phong tỏa do đại dịch đã làm gián đoạn ngành công nghiệp bán dẫn. Theo ông, Trung Quốc đang “đối mặt với những thách thức nghiêm trọng” trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình.
Gần đây, chính quyền Biden đã thêm 31 công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen xuất khẩu của mình. Trong khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản với 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn sẽ có hiệu lực vào tháng 7.
Thế nhưng, Wei Shaojun nói rằng Trung Quốc có thể thúc đẩy “cởi mở” và “hợp tác” với các công ty bán dẫn toàn cầu để đạt được “tái toàn cầu hóa”. Ông nói: “Nếu đặc điểm chính của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu trong 20 năm qua là 'chia sẻ công việc', thì 'hợp tác' sẽ là đặc điểm chính để thúc đẩy quá trình tái toàn cầu hóa”.
Wei Shaojun nói các công ty upstream và downstream trong chuỗi cung ứng có thể “hưởng lợi” từ việc ở Trung Quốc, nơi sẽ vẫn là một thị trường quy mô lớn.
Công ty upstream hoạt động ở giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực chip, các công ty upstream có thể là những hãng bán thiết bị sản xuất chip, cung cấp nguyên liệu chế tạo chip hay nghiên cứu và phát triển công nghệ chip.
Công ty downstream đề cập đến các công ty hoạt động ở giai đoạn cuối của chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực chip, các công ty downstream có thể là các nhà sản xuất thiết bị điện tử, các công ty lắp ráp sản phẩm điện tử, nhà bán lẻ, nhà phân phối và các công ty kỹ thuật dịch vụ. Họ là các khách hàng cuối cùng của các công ty upstream, thường tập trung vào việc hoàn thiện và tiếp thị sản phẩm để đưa đến thị trường tiêu dùng.
Trong bài phát biểu của mình, Wei Shaojun cũng nói bất chấp sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc một thập kỷ qua, phần lớn sự tăng trưởng đến từ các công ty chip nước ngoài đặt cơ sở tại quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, tỷ lệ chip được sản xuất trong nước trên tổng doanh số bán chip của Trung Quốc đã tăng từ 13% lên 41,4% ở giai đoạn 2013 - 2022, Wei Shaojun nói thêm.
Tính đến tháng 4.2023, tổng giá trị thị trường của 135 công ty bán dẫn Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán công nghệ STAR Market tại Thượng Hải và ChiNext ở Thâm Quyến chỉ hơn 3,08 ngàn tỉ nhân dân tệ (khoảng 420 tỉ USD), chưa bằng một nửa giá trị Nvidia, Wei Shaojun lưu ý. Nvidia hiện là nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới, khoảng 1,05 ngàn tỉ USD.
Ngoài ra, Wei Shaojun cũng gợi ý rằng Trung Quốc nên nắm lấy những cơ hội mới để phát triển chip ô tô và cho các ứng dụng AI, vì AI là “sự kiện đặc biệt không thể bỏ lỡ”.
"Các hạn chế xuất khẩu từ Nhật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất chip của Trung Quốc'"
Theo những người trong ngành, các hạn chế xuất khẩu mới của Nhật Bản với 23 loại thiết bị và vật liệu liên quan đến chip, có hiệu lực vào tháng 7, sẽ phá vỡ kế hoạch tự cung cấp chất bán dẫn của Trung Quốc vì các mặt hàng được chọn lọc và nhắm mục tiêu một cách rất cụ thể.
Các biện pháp sẽ yêu cầu sự cho phép cụ thể của chính phủ Nhật Bản với việc xuất khẩu 23 loại mặt hàng sang bất kỳ quốc gia nào không có trong danh sách 42 thị trường “thân thiện”, theo những người trong cuộc và danh sách mà trang SCMP đã xem.
Với Trung Quốc, đó sẽ là một lệnh cấm trên thực tế, tương tự như lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ được công bố vào tháng 10.2022, giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực thúc đẩy tự cung tự cấp lớn hơn về chip của quốc gia châu Á này.
Chính quyền Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận về quyết định của Nhật Bản trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu và kêu gọi suy nghĩ lại, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy quyết định này sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi.
Tương tự như Hà Lan, Nhật Bản không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong các thông báo kiểm soát xuất khẩu của mình. Thay vào đó, các quan chức Nhật Bản nói rằng việc xuất khẩu thuộc Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, quy định việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và các hàng hóa khác có thể được chuyển đổi thành các ứng dụng quân sự.
Các mặt hàng bị Nhật Bản hạn chế trong danh sách đang mở rộng, sẽ nhắm vào một loạt thiết bị và vật liệu công nghệ cao cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến. Các nhà phân tích nói rằng những hạn chế từ Nhật Bản vượt ra ngoài những giới hạn mà Mỹ đã áp đặt với Trung Quốc.
Ví dụ một số loại thiết bị in khắc tia cực tím sâu (DUV), được dùng để in chip trên wafer (đĩa bán dẫn) với nguồn sáng 193 nanomet và có thể đẩy công nghệ sản xuất chip lên 14 nanomet, sẽ là mục tiêu theo danh sách mà SCMP đã xem.
Một nhà đầu tư thiết bị chip yêu cầu giấu tên cho biết: “Cảm giác của tôi là danh sách này nhằm mục đích loại bỏ tất cả nguồn mua sắm thay thế từ Nhật Bản, nơi các công ty Trung Quốc có thể tìm đến”. Ông nói thêm, những hạn chế này có thể “tàn phá” ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã chuyển sang nhà cung cấp không phải của Mỹ, chủ yếu từ Nhật Bản, Hà Lan và Đức, trong ba năm qua để giảm việc sử dụng các linh kiện của Mỹ trong các nhà máy Trung Quốc, theo các chuyên gia trong ngành.
Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, với sự độc quyền trong một số lĩnh vực nhất định. Đó là điều mà Nhật Bản từng sử dụng làm vũ khí trong quá khứ trong cuộc cạnh tranh với Hàn Quốc.
Vào tháng 7.2019, Nhật Bản đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu chính gồm polyimide flo hóa, điện trở và hydro florua để sản xuất chip và màn hình, làm gián đoạn các ngành công nghiệp hạ nguồn của Hàn Quốc. Việc kiểm soát xuất khẩu chỉ kết thúc trong năm nay khi Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn quan hệ.
Theo dữ liệu của UN Comtrade, Nhật Bản là nhà xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc vào năm 2022. Do đó, Trung Quốc đã gây áp lực ngoại giao lên Nhật Bản để đảo ngược quyết định hạn chế xuất khẩu.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Vương Văn Đào kêu gọi Nhật Bản ngừng kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, gọi đó là "hành động sai trái và vi phạm nghiêm trọng" các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế.
Arisa Liu, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (nghiên cứu chuỗi cung ứng chip), cho biết các hạn chế về công cụ chip của Nhật Bản có vẻ "khắc nghiệt hơn dự kiến trước đây", đồng nghĩa Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai.
Hầu hết các công cụ được đề cập trong danh sách là máy móc cần thiết trong quá trình sản xuất chip bán dẫn mặt trước, bao gồm in thạch bản, khắc, lắng đọng màng, phủ, phát triển và làm sạch. Theo nhà đầu tư thiết bị chip yêu cầu giấu tên, các hạn chế của Nhật Bản cũng có thể bao gồm cả thiết bị cũ.
Các công ty lớn nhất bán thiết bị được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến là ở Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản, chẳng hạn Applied Materials (Mỹ), ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản).
Một kỹ sư của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Nếu Nhật Bản làm theo Mỹ để hạn chế hoàn toàn việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip, việc nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.