Sông băng trên Hymalaya tan chảy ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:53, 20/06/2023

Các sông băng cung cấp nước cho 10 hệ thống sông quan trọng nhất trên thế giới, trong đó các sông Hằng, sông Ấn, Hoàng Hà, Mekong và Irrawaddy có thể mất tới 80% thể tích hiện tại vào cuối thế kỷ 21. Do đó, người dân ở lưu vực sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà khoa học hôm nay (20.6) đã phát đi cảnh báo các sông băng ở dãy Himalaya vốn cung cấp nước quan trọng cho gần 2 tỉ người, đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu. Điều này khiến các cộng đồng trong khu vực phải đối mặt với những thảm họa khó lường và tốn kém.

Theo báo cáo của Trung tâm ICIMOD (một tổ chức liên chính phủ bao gồm các quốc gia thành viên Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan), các sông băng biến mất nhanh hơn 65% từ năm 2011 đến năm 2020 so với thập niên trước.

Tác giả chính Philippus Wester nói với AFP: “Khi trời ấm hơn, băng sẽ tan chảy, đó là điều đã được lường trước, nhưng điều bất ngờ và rất đáng lo ngại ở đây là tốc độ. Hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng".

Báo cáo cho biết các sông băng ở khu vực Hindu Kush Himalaya (HKH) là nguồn nước quan trọng cho khoảng 240 triệu người ở vùng cao nguyên, cũng như cho 1,65 tỉ người khác ở những vùng hạ lưu các sông.

Dựa trên đồ thị phát thải hiện tại, các sông băng có thể mất tới 80% thể tích hiện tại vào cuối thế kỷ 21. Các sông băng cung cấp nước cho 10 hệ thống sông quan trọng nhất trên thế giới, gồm cả sông Hằng, sông Ấn, Hoàng Hà, Mekong ( trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam) và Irrawaddy, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp lương thực, năng lượng, không khí sạch và nguồn mưu sinh cho hàng tỉ người.

Izabella Koziell, Phó giám đốc ICIMOD cho biết: “Với 2 tỉ người ở châu Á phụ thuộc vào lượng nước mà các sông băng và tuyết ở đây giữ lại, hậu quả của việc mất "tầng lạnh" này (một vùng đóng băng) thật khó mà lường trước được”.

Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5 - 2,0 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận khí hậu Paris, các sông băng theo dự báo vẫn sẽ mất 1/3 đến một nửa khối lượng vào năm 2100.

Ông Wester nói: "Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp vì khí hậu. Mỗi bước tiến nhỏ sẽ có tác động rất lớn và chúng tôi thực sự cần phải làm việc để giảm thiểu biến đổi khí hậu... Đó là lời kêu gọi của chúng tôi".

​Thế giới đã ấm lên gần 1,2 độ C kể từ giữa thế kỷ 19, gây ra một loạt thời tiết khắc nghiệt, gồm các đợt nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão dữ dội hơn do nước biển dâng.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người dễ bị tổn thương nhất và các quốc gia nghèo nhất thế giới. Rất bất công vì những quốc gia nghèo này vốn sử dụng rất ít nhiên liệu hóa thạch làm tăng nhiệt độ

Bà Amina Maharjan, một chuyên gia về sinh kế và di cư tại Trung tâm ICIMOD, cho biết các cộng đồng chịu ảnh hưởng từ Hymalaya không có sự hỗ trợ cần thiết. Bà nói: "Hầu hết sự thích ứng là do họ tự thân đối phó với các sự kiện khí hậu. Điều đó không đủ để đáp ứng những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Điều rất quan trọng trong tương lai là dự đoán sự thay đổi”.

Marco Tedesco, giáo sư địa chất biển tại Đại học Columbia, người không tham gia nghiên cứu, ca ngợi báo cáo mới tập trung vào tác động xã hội và sinh thái của việc các sông băng tan chảy nhanh. Ông nói rằng nhờ những công trình như vậy mà sự chú ý của công chúng đối với sự nóng lên toàn cầu đang chuyển từ trọng tâm vào những thay đổi vật lý thuần túy khoa học sang những ý thức rộng hơn về tác động của sự biến đổi khí hậu.

Khi những sông băng trên núi này co lại, lượng nước tan chảy sẽ tăng lên, trong một thời gian ngắn. Báo cáo cho biết hệ thống cuối cùng sẽ đạt đến một điểm, vào khoảng năm 2050, khi các sông băng bị thu hẹp đến mức nước tan chảy của chúng bắt đầu cạn kiệt.

Santosh Nepal, nhà nghiên cứu tại Viện Quản lý nước quốc tế, và cũng là một tác giả của báo cáo, cho biết: “Một số nơi sẽ thừa mứa nước và một số nơi khác lại khan hiếm”.

Tiến sĩ Nepal dự báo rằng khi biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa thất thường hơn trên toàn thế giới, người dân ở Hindu Kush Himalaya sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nước tan chảy thay cho nước mưa, nhưng họ không thể dựa vào nước tan chảy này trong hơn 20 - 30 năm sau.

Khi các sông băng tan chảy, có những rủi ro khác đối với con người. Những mối nguy hiểm tự nhiên, vốn đã là một thực tế của cuộc sống ở vùng núi, sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sườn núi, sườn đồi bị xói mòn sẽ tạo mầm mống cho các thảm họa phát sinh như lũ lụt và lở đất khi xảy ra những biến cố như động đất.

Tiến sĩ Nepal cho biết các hệ thống ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp trong khu vực “không được thiết kế để đối phó với loại thảm họa đó”.

Tương tự, các hệ sinh thái của Hindu Kush Himalaya cũng không được chuẩn bị cho những thay đổi đang diễn ra. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng một số loài độc đáo của khu vực, đặc biệt là bướm, đã tuyệt chủng. Ếch và các loài lưỡng cư khác cũng có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù đã quá muộn để cứu một số loài, nhưng vẫn còn thời gian để giúp đỡ nhiều loài động vật, đặc biệt là hàng triệu con người có đời sống đang bị đảo lộn hoàn toàn do băng tan.

Anh Tú