'Chưa bao giờ việc điều hành chính sách lại khó khăn nhiều chiều như vậy'!

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:37, 21/06/2023

Đó là nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Sáng nay (21.6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.

f48fcba0-e7bb-43f5-a981-1ac06cbb91a6.jpeg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến 15.6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Ông Tú cho biết, tháng 2 vừa qua, NHNN đã giao room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14 - 15%. Đến nay, mức 14 - 15% vẫn là mục tiêu cả năm. Dù vậy đến 15.6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%.

Có thể thấy, hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, tồn hàng tồn kho nhiều, thậm chí, một số doanh nghiệp phải giảm bớt nhân công. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng. Sức mua suy giảm dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

Phó thống đốc NHNN cho biết "chưa bao giờ điều hành chính sách lại khó khăn nhiều chiều như vậy". Doanh nghiệp rất khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho lớn, trong khi nguồn tài chính đứt đoạn, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, sức mua trong và ngoài nước đều suy giảm... Tất cả đều ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ.

Về điều hành lãi suất, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Trong định hướng điều hành, Phó thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, tiếp tục khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Vài ngày tới, NHNN tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm cả mặt bằng lãi suất huy động và cho vay", ông Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cũng lưu ý, nợ xấu do yếu tố khách quan đang "nhen nhóm" tại một số ngân hàng. Có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng và điều này đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống. 

Tuyết Nhung