Hy vọng cứu được tàu lặn Titan có thể chỉ là hão huyền

Quốc tế - Ngày đăng : 10:44, 22/06/2023

Những tiếng động dưới nước được nghe thấy trong quá trình tìm kiếm tàu lặn mất tích Titan đã làm dấy lên những hy vọng mới song các chuyên gia nghĩ gì về điều này?

Trưa 21.6, lực lượng tuần duyên Mỹ cập nhật trên Twitter thông tin một máy bay săn ngầm P-3 của Canada đã phát hiện âm thanh lạ tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Đài CNN dẫn nội dung một văn bản truyền tin nội bộ của chính phủ Mỹ cho biết các đội ngũ tìm kiếm nghe được những tiếng gõ đập theo tần suất 30 phút gõ một lần. Khoảng 4 giờ sau, một thiết bị sonar khác vẫn tiếp tục ghi nhận được những tiếng gõ đập tương tự. Vì vậy những nỗ lực tìm kiếm được chuyển hướng với mục tiêu định vị nguồn gốc phát ra những âm thanh này. 

Tuy nhiên, các quan chức đã cảnh báo những âm thanh này có thể không bắt nguồn từ con tàu mất tích. Đại úy cảnh sát biển Jamie Frederick cho biết việc phân tích các tiếng ồn vẫn chưa có kết luận.

Việc bắt được tín hiệu âm thanh vào ngày thứ 3 của nỗ lực tìm kiếm trong lúc sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ tàu lặn Titan bước vào 24 giờ cuối cùng trước khi dưỡng khí trên tàu cạn sạch. Theo thiết kế, tàu lặn Titan có thể hoạt động dưới nước tối đa 96 giờ, có nghĩa là 5 người trên tàu cần phải được giải cứu vào sáng 22.6 (giờ địa phương) trước khi oxy trên tàu cạn kiệt.

anh-man-hinh-2023-06-22-luc-09.53.30.png

Tính đến sáng qua, các tàu và máy bay của lực lượng tuần duyên Mỹ, hải quân Mỹ, lực lượng vũ trang Canada đã rà soát hơn 20.000km2 diện tích vùng biển Bắc Đại Tây Dương, theo Reuters dẫn lời đại úy Jamie Frederick của tuần duyên Mỹ. Trong đó, một chiếc Lockheed P-3 Orion của Canada đã thả các phao sonar xuống biển và từ đó phát hiện âm thanh trong lòng biển.

Tiến sĩ Jamie Pringle tại Đại học Keele (Anh) cho biết tín hiệu âm thanh là tin tốt nhưng cảnh báo nó cũng có thể mang lại "hy vọng hão huyền".

Ông nói thực tế các tín hiệu âm thanh cách nhau nửa giờ là một "dấu hiệu tuyệt vời" song không có nghĩa là chúng "không có thể" phát ra từ một tàu ngầm khác hoặc một chân vịt tàu nổi.

"Tín hiệu âm thanh truyền xa trong nước nên đó là cả tin tốt và tin xấu, vẫn cần phải định vị được nguồn âm thanh nhằm xác định vị trí. Tất nhiên, âm thanh có thể phát ra từ thứ gì đó khác ngoài tàu ngầm. Chúng ta đừng gieo hy vọng hão huyền cho mọi người, hiện tại thiếu oxy là mấu chốt vấn đề", ông Pringle nói. 

Một cựu sĩ quan hải quân cho biết những âm thanh thu được có thể là "giả" vì có "rất nhiều tiếng ồn phát ra từ đại dương".

Cựu đô đốc hậu cần Chris Parry cho biết bản thân xác tàu Titanic cũng "gây ra nhiều tiếng ồn ngay cả khi dòng nước chảy qua nó". 

Dik Barton, cựu Phó chủ tịch điều hành của RMS Titanic Inc, công ty sở hữu quyền trục vớt tàu Titanic, cho biết điều quan trọng là "đừng quá tham vọng".

"Dưới lòng đại dương có rất nhiều tiếng ồn, chúng có thể phát ra từ sinh vật biển, tàu ngầm và hệ thống cáp dưới nước. Vì vậy chúng ta không nên quá hy vọng", ông Barton chia sẻ. 

Tiến sĩ Simon Boxall, giảng viên cao cấp về hải dương học tại Đại học Southampton (Anh) cho biết những tiếng động dưới nước mang đến hy vọng rằng những người trên tàu Titan vẫn còn sống.

"Có rất nhiều nguồn âm thanh trong đại dương, nhưng nó mang lại hy vọng," ông Boxall nói. 

Tiến sĩ Boxall cũng nói một trong những điều lo ngại đáng sợ nhất là tàu Titan đã nổ tung do áp suất.

Mặc dù việc tìm kiếm chiếc tàu lặn vẫn là ưu tiên số 1 nhưng việc tiến hành cứu hộ cũng sẽ là một thách thức lớn. Theo chuyên gia hoạt động hàng hải Mike Welham, việc xác định được vị trí của con tàu mất tích giống như ai đó thả một đồng xu trên sân bóng và cố gắng tìm nó. 

Ông Welham cũng chỉ ra rằng việc mua sắm thiết bị chuyên dụng và nhân lực để giải cứu hiệu quả ở độ sâu mà Titan có thể tiếp cận "cần có thời gian". Ông cũng cho biết những người trên tàu Titan đang ở độ sâu mà họ sẽ bị áp lực nước nghiền nát. Cách duy nhất để cứu họ là phải đưa được tàu lên mặt nước. 

Đan Thuỳ