Định hướng nghề khối THCS: Học sinh cần sự tham vấn từ các chuyên gia và thầy cô

Giáo dục - Ngày đăng : 12:30, 22/06/2023

Thời gian này nhiều học sinh vừa kết thúc kỳ thi vào lớp 10 THPT và đang thấp thỏm đợi điểm thi, hy vọng trúng tuyển vào một trường công lập nào đó.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều học sinh chuyển hướng học nghề luôn khi kết thúc 4 năm học tại các trường THCS. Theo chính sách hiện nay thì học sinh có bằng THCS là có thể theo học một trường học nghề nào đó. Sau 3 năm ra trường, học sinh tốt nghiệp vừa có bằng cao đẳng, vừa có bằng THPT. Chính sách phân luồng khi học sinh vừa tốt nghiệp THCS cũng là cách định hướng vừa giảm áp lực cho kỳ thi THPT, vừa tạo điều kiện định hướng học sinh - phát triển học nghề, giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình. Đây cũng là một trong những giải pháp tốt nhất mà ngành giáo dục cũng như Bộ LĐ-TB-XH hướng tới trong những năm gần đây. Tuy nhiên, học sinh đi học nghề cũng cần có những kiến thức nhất định, có sự đam mê học hỏi thì công việc sau này mới thành công.

Chia sẻ ý kiến của mình với các phóng viên, PGS-TS Trần Thành Nam - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết hiện nay ngành giáo dục phân luồng học sinh ngay từ cấp THCS để hướng nghiệp nhưng nhiều học sinh hay phụ huynh thường chọn bừa các ngành học mà không có sự tham vấn cũng như định hướng sẵn cho học sinh. "Phụ huynh cũng như học sinh phải tìm hiểu kỹ về ngành học mà con em mình theo học, về những cơ hội việc làm ở các đơn vị. Thường cha mẹ hay cho con theo học các khối ngành như công nghệ thông tin, cơ khí, marketing, đầu bếp, quản lý khách sạn...

le-quy-don-2.jpg
Học sinh dự ngày hội tư vấn nghề nghiệp từ khắp các trường

Cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ yêu cầu đào tạo cần thiết để cập nhật mức lương cũng như nhu cầu tuyển dụng của các công ty. Bên cạnh đấy, học sinh cũng phải xác định rõ sở thích của mình để theo đuổi công việc vì nó sẽ gần như gắn bó với mình cả đời. Đừng để bản thân học ra trường nhưng không thể xin nổi việc làm vì không có kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm việc, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng".

Các em học sinh hiện nay khi mới kết thúc 4 năm học ở khối THCS hầu như chưa biết nhiều về kiến thức, kỹ năng để sau này đáp ứng công việc. Tuy nhiên nếu được định hướng kỹ, các em có đam mê sẽ cảm thấy thích thú với ngành học mà mình lựa chọn. Các kỹ năng trong công việc sẽ hình thành khi các em vừa học vừa làm, thời gian này là cả một quá trình cần sự cố gắng của các em. "Muốn hướng nghiệp cho học sinh thì chính bố mẹ cũng cần phải nắm được số liệu thực tiễn trong việc tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của mình rồi bắt con em mình theo học" - ông Nam cho hay.

Cũng đưa ra quan điểm của mình, ông Đặng Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (Đồng Nai) cho rằng ngay cả khi các trường nghề tuyển sinh hệ 9+, hệ học nghề thì học sinh cũng cần phải nắm vững kiến thức để có thể đáp ứng được công việc, ngành nghề mà mình đăng ký. "Hiện nay Trường cao đẳng Lê Quý Đôn có chương trình tuyển sinh đào tạo và làm việc diện EB3 tại Mỹ dành cho đối tượng là người lao động hoặc học sinh tốt nghiệp THPT, THCS (tùy theo chương trình đào tạo). Trường có 10 ngành đào tạo như: Chăm sóc sắc đẹp, điều dưỡng, hộ sinh, dược, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp, quản trị kinh doanh, xây dựng. Các em khi nộp hồ sơ chưa biết tiếng Anh hoặc chưa đạt về ngoại ngữ được tham gia khóa học miễn phí “tiếng Mỹ dành cho người làm việc tại Mỹ” trước khi xuất cảnh (240 tiết, từ 6 - 8 tháng). Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến, đặc biệt, chương trình có các chuyên gia hỗ trợ tư vấn về luật di trú, chính sách, visa… để thuận lợi cho người lao động hiểu rõ về cơ hội học tập, lao động theo diện EB3" - ông Vinh khẳng định.

le-quy-don-3.jpg
Hiện nay, bạn trẻ có xu hướng chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS ngày càng nhiều với mong muốn khởi nghiệp, thành công sớm

Đối với học sinh, dù theo học nghề hay tiếp tục học lên THPT đều cần khả năng tiếp thu kiến thức tốt, đó chính là điểm mạnh để các em có thể khẳng định bản thân. Tuy nhiên việc quyết định học tiếp văn hóa hay dừng học để đi học nghề hoàn toàn nằm ở quyết định của học sinh và gia đình. Việc đi học nghề để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình hoặc kiếm thêm thu nhập cho bản thân ở một độ tuổi còn nhỏ (14 - 15 tuổi) là lựa chọn vô cùng bấp bênh. Các em vẫn chưa hiểu hết được các khía cạnh cuộc sống, tâm sinh lý dễ bị xáo động, bất ổn, đồng thời dễ bị cám dỗ từ đời sống bên ngoài. Chính vì thế, việc chọn học nghề của các học sinh cũng cần nhận được lời khuyên từ các chuyên gia, gia đình và các thầy cô giáo.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung